BVR&MT – Tuần lễ nước Thế giới năm 2021 được tổ chức hoàn toàn trực tuyến, từ 23-27/8, với chủ đề Xây dựng khả năng chống chịu nhanh hơn.
Thế giới đang chứng kiến những trận thiên tai liên quan đến nước ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn ở nhiều quốc gia, như lũ lụt ở Đức và Trung Quốc, hạn hán và cháy rừng ở Hy Lạp…. Riêng tại Hoa Kỳ, tình trạng khan hiếm nước trong thời gian dài buộc nông dân trồng hạnh nhân ở California phải nhổ bỏ cây trồng, trong khi Chính phủ liên bang vừa yêu cầu cắt giảm nước đối với một số người sử dụng dòng nước từ sông Colorado – một trong những con sông chính của vùng Tây Nam Hoa Kỳ, dài 2330 km.
Bà Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai, cho rằng “hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vắc xin nào chữa khỏi”.
Chủ đề của Tuần lễ Nước Thế giới năm 2021 đã nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị của tài nguyên nước về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội, tăng cường các giải pháp hiệu quả bảo vệ nguồn nước trước áp lực các hoạt động phát triển và biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại phiên họp bế mạc của sự kiện, bà Usha Rao-Monari, Phó Quản trị viên Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho biết: “Các sự kiện như Tuần lễ Nước Thế giới, Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống thực phẩm của Liên hợp quốc sẽ mang đến bước ngoặt lịch sử cho cuộc cách mạng về năng lượng, nước và lương thực. Điều này rất cần thiết để chúng ta có thể đảm bảo một tương lai an toàn hơn cho tất cả mọi người, ”.
Cate Lamb, nhà khoa học đại diện từ Vương quốc Anh, đã nhấn mạnh vai trò của nước đối với chống biến đổi khí hậu và giảm thải carbon: “Tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP 26, chúng tôi mong muốn nhiều quốc gia ưu tiên thích ứng và chuyển đổi rủi ro thành đầu tư vào nước”. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ đất và rừng ngập nước, giảm sử dụng năng lượng, giải quyết vấn đề ô nhiễm và xử lý chất thải.
Torgny Holmgren, Giám đốc điều hành của ban tổ chức Viện Nước Quốc tế Stockholm (SIWI), cam kết rằng Tuần lễ Nước Thế giới 2022 sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp cụ thể cho những thách thức lớn trên toàn cầu. “Tuần lễ Nước Thế giới năm trong các năm tiếp theo sẽ tập trung vào việc định giá nước. Tôi tin rằng đây là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta tiếp tục đánh giá thấp giá trị của nước, chúng ta sẽ không quản lý được nó một cách hợp lý. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các nguồn nước vô hình, như nước ngầm, mà nhiều người có thể không nhận thức tầm quan trọng của nó đối với sự sống.”
Tiến sĩ John Cherry, chuyên gia hàng đầu về nước ngầm, là người nhận Giải thưởng Nước Stockholm 2020, nhấn mạnh rằng: “Nhiều giải pháp đã được thử nghiệm ở vài nơi trên thế giới. Tại sự kiện mang tính bước ngoặt này, chúng tôi đã thảo luận để giải quyết các vấn đề liên quan tới nước. Công chúng hiện có thể cùng tham gia tìm hiểu và có sức mạnh để gây áp lực lên các chính trị gia ”.
Sự kiện năm nay cũng đón nhận số lượng người tham gia kỷ lục, Henrika Thomasson, Giám đốc Tuần lễ Nước Thế giới tại SIWI, nhận định sự kiện năm 2021 là một thành công vang dội: “Chúng tôi rất vui mừng chào đón số lượng kỷ lục người tham gia từ nhiều quốc gia, cung cấp nhiều phiên thảo luận nhất từ trước đến nay. Nhưng thước đo của thành công phải là tầm ảnh hưởng và tác động thực sự của sự kiện. Mọi giải pháp được thảo luận tại Tuần lễ Nước Thế giới sẽ được thực hiện trên toàn thế giới. Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của nước trong việc xây dựng một tương lai bền vững hơn. ”
Tuần lễ Nước Thế giới là cơ hội để chúng ta nhìn nhận mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam – một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi các thảm họa do biến đổi khí hậu. Nước sạch, vệ sinh và vệ sinh cá nhân là những yếu tố cốt lõi của phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất và tăng trưởng hiện tại và tương lai của Việt Nam.