Nông nghiệp Bình Phước xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm

BVR&MT – Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025 của tỉnh Bình Phước, trong 5 năm tới, nền nông nghiệp Bình Phước phát triển với 3 nhiệm vụ trọng tâm: tạo vùng nguyên liệu; chế biến; hình thành liên kết chuỗi giá trị. Cùng với đó là 3 ngành trọng điểm chăn nuôi; trồng trọt và lâm nghiệp.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp Bình Phước tái cơ cấu sản xuất
nông nghiệp hiệu quả, bền vững. (Ảnh: K.V)

Theo đó, 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của địa phương này là: chăn nuôi (lợn, gà); hạt điều; sản phẩm từ gỗ. Cùng với đó 3 giải pháp hỗ trợ khởi điểm của Bình Phước là quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu; chính sách thu hút, hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành hàng năm đạt 5-6%.

Trong 5 năm tới, ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ quy hoạch điều chỉnh lại vùng trồng cây chuyên canh, trong đó có cây tiêu để tăng giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh. Bám sát kế hoạch trên, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ quy hoạch điều chỉnh lại vùng trồng cây chuyên canh. Trong đó, trọng tâm là cây cao su, điều, cây ăn trái, cây lấy gỗ trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu nguyên liệu của các cơ sở chế biến để xác định quy mô cho từng loại cây trồng; chuyển một phần diện tích trồng cây cao su sang quy hoạch đất công nghiệp, đô thị, dân cư, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, tỉnh Bình Phước xây dựng chính sách hỗ trợ người sản xuất trong vùng quy hoạch về vốn, kỹ thuật, tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả và làm cơ sở hình thành chuỗi liên kết. Quy hoạch vùng chăn nuôi hướng đến an toàn dịch bệnh, chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi sạch phải từng bước chi phối toàn ngành chăn nuôi. Tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chăn nuôi đầu tư xây dựng, phát triển các trang trại chăn nuôi heo, gà để cung cấp nguồn giống, sản phẩm chất lượng cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với giết mổ gia súc, gia cầm. Đảm bảo hoạt động giết mổ theo đúng quy trình, 100% thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường có kiểm soát thú y. Xây dựng thương hiệu 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu để tăng nhanh số lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Được biết, những năm qua, từ một tỉnh thuần nông, chuyên canh cây công nghiệp, Bình Phước đã đột phá, trở thành một trong những địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất tăng 40-50 lần so với sản xuất truyền thống. Kết quả đó có được từ khi Tỉnh ủy Bình Phước có chuyên đề về chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 gắn với đột phá trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh Bình Phước, đã thành lập Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ chức nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các mô hình sản xuất gắn với đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực, thu hút đầu tư. Lãnh đạo Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Phước cho biết, việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao được triển khai theo tiêu chí đầu tư, áp dụng kỹ thuật phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán tại Bình Phước. Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng các chuỗi sản xuất ứng dụng công nghệ thông minh, khép kín.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Bình Phước. Đạt được kết quả đó là nhờ tỉnh Bình Phước ưu tiên, tạo điều kiện xây dựng, thành lập các doanh nghiệp có chức năng dẫn dắt, liên kết và làm đầu mối để xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đạt chuẩn. Ngành nông nghiệp luôn đồng hành với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, kết nối với các đầu mối, viện nghiên cứu. Bình Phước đang tiếp tục triển khai đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao chuyên sâu, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu…/..