BVR&MT – Là bản vùng cao, sâu xa nhất của xã đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), bản Tà Đằng có 44 hộ với 238 nhân khẩu đều là người dân tộc Mông, trong đó số hộ nghèo chiếm trên 50%, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội cực kỳ khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác phát triển đảng viên và đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng trong những năm gần đây, Chi bộ Tà Đằng đã bồi dưỡng, kết nạp được 16 đảng viên tham gia sinh hoạt đều đặn hằng tháng. Số đảng viên này thực sự là đội tiên phong đi đầu, làm nòng cốt trong mọi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của bản.
Đổi mới nội dung sinh hoạt Đảng
Ông Trần Bình Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Tà Xi Láng cho biết, mặc dù điều kiện kinh tế – xã hội của bản còn gặp nhiều khó khăn, nhưng từ nhiều năm nay, Chi bộ đảng ở Tà Đằng trở thành một khối thống nhất cao bởi sự đoàn kết, nhất trí trong mọi suy nghĩ và hành động của các đảng viên. Việc sinh hoạt đảng tạo môi trường để đảng viên học tập, liên tục được bồi dưỡng kiến thức về mọi mặt, nâng cao năng lực lãnh đạo, làm tấm gương thực tế cho quần chúng nhân dân học tập, làm theo.
Mỗi kỳ sinh hoạt đảng ở Tà Đằng tuy còn đơn giản về hình thức, thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng được ví như những “Hội nghị Diên Hồng” của bản. Không khí sinh hoạt dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, mọi đảng viên đều bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng và phát huy tinh thần tiên phong của mình. Mọi ý kiến đóng góp của đảng viên đều được tôn trọng bàn bạc và ghi chép đầy đủ trong sổ nghị quyết.
Thời gian Chi ủy triệu tập cuộc họp được linh hoạt trong tháng, thường lựa chọn thời điểm trước mỗi sự kiện của bản, trước mỗi mùa vụ hoặc trước các ngày lễ lớn của đất nước, do vậy số đảng viên dự họp luôn đông đủ. Ngoài việc thông tin thời sự, phổ biến các văn bản của đảng ủy cấp trên, đánh giá tình hình tư tưởng đảng viên, mỗi buổi sinh hoạt, Chi ủy Tà Đằng đều lựa chọn một chuyên đề cụ thể phù hợp, sát với thực tiễn để bàn bạc có trọng tâm và tìm biện pháp giải quyết triệt để, nhất là những vấn đề bức xúc, tồn đọng trong bản.
Bí thư Chi bộ bản Tà Đằng Trang A Khay chia sẻ, trước mỗi buổi sinh hoạt, Chi ủy họp thống nhất nội dung, những vấn đề được đưa ra cuộc họp sẽ được chuẩn bị rất kỹ, ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực tới đời sống của người dân trong bản. Nhiều cuộc họp mở rộng có sự tham gia của các cụ cao tuổi, có kinh nghiệm và người có uy tín trong bản để cùng bàn bạc, thống nhất những vấn đề khó khăn, vướng mắc và cần sự đồng thuận của cả bản. Kết thúc mỗi cuộc họp đều có sự phân công trách nhiệm rõ ràng tới từng đảng viên, theo đó các đảng viên nhận nhiệm vụ và luôn gương mẫu thực hiện trước.
Bộ mặt nông thôn nhiều thay đổi
Sau mỗi kỳ sinh hoạt, Chi ủy phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác Mặt trận của bản chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể triển khai những nội dung đã được thống nhất, cụ thể như huy động các nguồn lực, giúp đỡ các gia đình khó khăn làm nhà ở; vận động người dân không trồng cây thuốc phiện, thành lập các tổ hợp tác trồng rau, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; giúp đỡ các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất; bảo vệ môi trường, ăn sạch, ở sạch, uống sạch, vệ sinh môi trường sạch.
Đặc biệt, Chi bộ chỉ đạo tổ chức cho bà con trong bản cùng nhau tu bổ, nâng cấp hệ thống đường giao thông, hệ thống thủy lợi, dẫn điện về tới nhà cho những hộ nghèo; vận động người dân bảo vệ rừng, trồng rừng mới và bảo vệ nguồn sinh thủy; tuyên truyền, vận động người dân từng bước xóa bỏ một số phong tục, tập quán lạc hậu không còn phù hợp với nếp sống mới.
Anh Trang A Tủa, đảng viên trẻ tuổi nhất trong bản cho biết: “Sinh hoạt chi bộ đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn và chấp hành tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cuộc sống đổi thay là nhờ sức mạnh đoàn kết vượt qua khó khăn, gian khổ, ý chí tự lực, tự cường để phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Đảng viên phải đi đầu, biết thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, biết áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để làm ra nhiều lúa, ngô, chăn nuôi nhiều lợn, gà”.
Đến nay, 100% các hộ trong bản cam kết không trồng cây thuốc phiện, không buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; không tảo hôn, không có hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3 trở lên; 100% số hộ trong bản đăng ký thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Những đảng viên, như: Trang Nủ Phông, Trang A Tủa, Trang A Lồng… luôn được người dân trong bản nhắc tới là những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội của bản.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Chi ủy và sự gương mẫu đi đầu của mỗi đảng viên trong Chi bộ, sau mấy năm trở lại đây, Tà Đằng có bộ mặt cơ sở vật chất khang trang hơn. Những con đường mòn lầy lội được thay bằng những con đường rộng rãi, giúp người dân đi được bằng xe máy cả 4 mùa. Nhiều cây trồng được thâm canh từ 1 vụ sang trồng được 2 vụ, năng suất lúa đã đạt 180 kg đến 200 kg thóc/sào nhờ có hệ thống thủy lợi và biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Cơ giới hóa được từng bước đưa vào sản xuất, hiện cả bản đã có 2 máy tuốt lúa, 1 máy máy làm đất, 3 máy bơm nước, điều đó đang nhanh chóng thúc đẩy kinh tế – xã hội của bản phát triển.
Quan trọng hơn là tư tưởng thoát nghèo, ý thức vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình có nhiều thay đổi, người dân chăm chỉ làm ăn, chủ động học hỏi và đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế của những gương đảng viên đi trước, không còn tình trạng trông chờ, ỷ nại vào sự trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ đó mà tỷ lệ giảm hộ nghèo của bản nhanh nhất trong 5 bản của xã Tà Xi Láng trong nhiệm kỳ vừa qua từ 74% năm 2015 xuống còn 52% vào năm 2020.
Ông Trang A Của, một trong những hộ mới thoát nghèo trong năm 2020 cho biết, mỗi năm trước kia gia đình phải sống nhờ trợ cấp của Nhà nước từ 2 đến 5 tháng, hằng ngày cả nhà phải đi rừng nên các con không được học hành. Nay nhờ các đảng viên trong bản giúp đỡ, hướng dẫn cách trồng cấy, cho con giống, bản thân cũng học hỏi cách làm ăn của các hộ khá giả trong bản, giờ đây gia đình nhà tôi đã đủ lương thực ăn quanh năm, còn dư để chăn nuôi nữa. Từ nay, gia đình cam kết không đi rừng chặt cây để các con có thời gian ra trường học.
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở bản Tà Đằng không chỉ là cầu nối giữa Đảng với người dân mà còn là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước tại bản Tà Đằng; đồng thời phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, tính tiền phong, gương mẫu trong suy nghĩ và hành động của mỗi đảng viên, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội và giữ vững an ninh, trật tự xã hội tại bản vùng cao, đặc biệt khó khăn này.