BVR&MT – Trong các lực lượng “tuyến đầu chống dịch”, sự nỗ lực của các đơn vị, công nhân vệ sinh môi trường (VSMT) làm việc trong các khu cách ly là đáng ghi nhận. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư phụ trách công tác xử lý rác thải vẫn đứng ngồi không yên do chưa xác định được đơn giá xử lý.
Hơn 200 tấn rác thải y tế chưa được thanh toán
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát (đầu năm 2020) đến nay, nhiều khu vực cách ly y tế tập trung, cách ly tại nhà, nơi cư trú đã được thành lập. Tại đây, chính quyền địa phương đã tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong khu cách ly theo hướng dẫn của các đơn vị có liên quan.
Trong đó, 2 đơn vị được các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội lựa chọn là Công ty CP Môi trường Đô thị và Công nghiệp 10 (Urenco 10) và Công ty CP Vật tư Thiết bị môi trường 13 (Urenco13) – Đây là 2 đơn vị duy nhất đang cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế, đã được Bộ TN&MT cấp phép.
Theo báo cáo của 2 đơn vị này, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam (đầu năm 2020), các đơn vị đã thu gom, xử lý hơn 427 tấn rác thải y tế trong các khu cách ly y tế (Urenco 10 là hơn 171 tấn, Urenco 13 là hơn 256 tấn).
Trong đó, năm 2020, 2 đơn vị đã ký 11 hợp đồng với 9 quận, huyện, thị xã trên địa bàn với tổng khối lượng rác thải là gần 218,678 tấn; 6 tháng đầu năm 2021, 2 đơn vị đã ký 15 hợp đồng với các địa phương với tổng lượng chất thải đã được thu gom, vận chuyển, xử lý là 218,735 tấn. Đến thời điểm này, các hợp đồng dịch vụ năm 2020 giữa UBND các huyện, trung tâm y tế… với các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong khu cách ly cơ bản đã được thanh toán đầy đủ.
Tuy nhiên, bước vào năm 2021, do yêu cầu xây dựng bảng đơn giá, giá dịch vụ về công tác phân loại, thu gom vận chuyển và xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại các khu cách ly nên nhiều hợp đồng đã ký với Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các quận, huyện, thị xã chưa thể thanh toán được… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì hoạt động, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống của cán bộ, công nhân viên, người lao động… của các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong các khu cách ly.
Theo lãnh đạo Công ty Urenco 13 chia sẻ, dù từ đầu năm đến nay đơn vị chưa được thanh toán khối lượng rác thải y tế phát sinh trong các khu cách ly, nhưng với trách nhiệm chính trị, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội… đơn vị vẫn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, về lâu về dài, các đơn vị có liên quan cần sớm có biện pháp tháo gỡ để đơn vị sớm ổn định hoạt động, thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách với người lao động… để họ yên tâm làm việc trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Sớm khắc phục những khó khăn
Liên quan đến thực trạng trên, Sở TN&MT Hà Nội vừa ban hành dự thảo báo cáo đề xuất phương án xây dựng quy trình, định mức, đơn giá hoặc giá dịch vụ về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại các khu cách ly.
Tại dự thảo này, Phó Giám đốc Sở TN&MT Mai Trọng Thái kiến nghị TP xem xét, chấp thuận yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội chỉ đạo Urenco 10, Urenco 13 tự định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải (đồng/km) và giá dịch vụ xử lý chất thải (đồng/tấn) theo Điều 11, Luật Giá năm 2012, trên cơ sở quy trình, định mức kinh tế – kỹ thuật của dây chuyền, công nghệ xử lý chất thải y tế nguy hại đã được Bộ TN&MT cấp phép. Áp dụng các nguyên tắc, căn cứ phương pháp định giá do Nhà nước quy định gửi các đơn vị có liên quan trước ngày 15/8.
Đặc biệt, tại dự thảo này, Phó Giám đốc Sở TN&MT kiến nghị TP cho phép UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013; Điểm b, Khoản 1, Điều 83 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ chủ động lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ (Urenco 10, Urenco 13) thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm từ các khu cách ly trên địa bàn.
Chủ động thẩm duyệt, phê duyệt dự toán, ký hợp đồng dịch vụ trên cơ sở thỏa thuận do Urenco 10, Urenco 13 tự đánh giá. Thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán theo chế độ tự thanh, tự chi, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và tuân thủ đúng quy định về quản lý ngân sách.
Hiện đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 theo phương thức thỏa thuận, với đơn giá dịch vụ vận chuyển do động từ 1,259 triệu đồng đến 1.983 triệu đồng/chuyến và đơn giá dịch vụ xử lý dao động từ 11,449 triệu đồng đến 11.850 triệu đồng/tấn (tùy thuộc vào quận huyện) hoặc giá dịch vụ trọn gói là 13,950 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm các phụ phí khác).
“Trong thời gian chờ phương án về quy trình, định mức, đơn giá hoặc giá dịch vụ về công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại các khu cách ly được phê duyệt, kiến nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm ứng cho đơn vị thực hiện công việc này trên địa bàn bằng 70% giá trị hợp đồng để đơn vị đảm bảo hoạt động.” – Phó Giám đốc Urenco 13 Tống Việt Dũng |