BVR&MT – Shivaprakash Nagaraju, nhà khoa học cao cấp của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên ở Ấn Độ đã tận dụng khoảng thời gian tự cách ly hai tháng để thu thập, phân tích tài liệu liên quan đến buôn bán động vật hoang dã và virus lây truyền từ động vật sang người. Bài báo nghiên cứu của ông vừa đăng trên Tạp chí Current Biology tiết lộ thông tin quan trọng: một số ít loài động vật trong quá trình buôn bán động vật hoang dã có chứa phần lớn các loại virus lây truyền từ động vật sang người đã biết.
Nagaraju và nhóm của ông đã phát hiện ra rằng chỉ 26,5% động vật có vú trong buôn bán động vật hoang dã chứa 75% virus gây bệnh từ động vật đã biết – tỷ lệ cao hơn nhiều so với động vật có vú được thuần hóa và không được buôn bán. Trong số này, động vật linh trưởng, động vật móng guốc, động vật ăn thịt và dơi có nguy cơ cao nhất vì riêng bốn nhóm này đã chứa 132 trong số 226 loại virus gây bệnh từ động vật hiện được biết đến, tương đương 58%. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, dơi, động vật gặm nhấm và thú có túi sẽ gây ra rủi ro lớn nhất trong tương lai do sự thay đổi dự kiến trong buôn bán động vật hoang dã.
Cụ thể: chỉ riêng các loài linh trưởng đã mang theo 77 loại virus gây bệnh động vật đã biết, vật chủ móng guốc chẵn chứa 62 loại virus và động vật ăn thịt chứa 41 loại virus – đây là ba nhóm có mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với các đại dịch trong tương lai.
“Tôi nghĩ một trong những thông điệp chính mà chúng tôi đã cung cấp là hầu hết các dịch bệnh chỉ đến từ một vài loài động vật có vú với rất nhiều sự lây lan từ động vật sang động vật”, Nagaraju nói. “Khi bạn đổ lỗi cho việc buôn bán động vật hoang dã vì Covid-19, bạn có thể nói rằng tất cả các loài động vật đều mang bệnh nhưng điều này cho thấy các nhóm cụ thể mang một tỷ lệ rất lớn các bệnh lây truyền từ động vật”.
Cũng theo Nagaraju, thương mại hợp pháp là một ngành công nghiệp trị giá 300 tỷ đô la và là nguồn sinh kế, an ninh lương thực của hàng triệu người, do đó, các lệnh cấm hoàn toàn liên quan đến buôn bán động vật hoang dã không phải là một giải pháp, nhưng chúng ta có thể ngăn chặn các loài động vật chứa nhiều virus khỏi hoạt động buôn bán. Các cơ quan thực thi có thể cải thiện việc giám sát mầm bệnh tại các chợ động vật hoang dã để đảm bảo rằng các loài có nguy cơ cao không bị bán tại các khu vực này.
Riêng với hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp thì khó giám sát sát hơn nhiều, rủi ro cũng lớn hơn, đặc biệt là rủi ro về dịch bệnh, do đó cần hành động để chấm dứt buôn bán trái phép động vật hoang dã và cung cấp sinh kế thay thế cho những người sống phụ thuộc vào động vật hoang dã và khai thác tài nguyên, theo Trang Nguyễn, người sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức WildAct, Việt Nam.
Linh Vy (Lược dịch từ Mongabay)