BVR&MT – Ðẩy mạnh đầu tư hạ tầng, phát huy các lợi thế phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống dân sinh trên địa bàn, đó là những giải pháp mà năm huyện của Hà Nội đang tập trung triển khai, cụ thể hóa mục tiêu trở thành quận trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các huyện, thành phố cũng cần có những giải pháp linh hoạt, sớm giải quyết những vướng mắc về đất đai, quy hoạch, hạ tầng để tạo thêm nguồn lực cho các địa phương về đích.
Ðịnh hình diện mạo đô thị
Hai năm trở lại đây, giá đất tại huyện Gia Lâm tăng chóng mặt. Không giấu được vẻ phấn khởi, ông Nguyễn Văn Ðức ở xã Dương Xá cho biết: “Giá đất tăng không chỉ vì sắp “lên” quận, mà hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa từ huyện, xã đến các thôn cũng được đầu tư khang trang, hiện đại, đời sống người dân nâng lên rất nhiều”. Ðó cũng là cảm nhận chung của nhiều người khi đến Gia Lâm, chứng kiến diện mạo của huyện thay đổi nhanh, mang dáng dấp của đô thị trong tương lai.
Ðể có được kết quả ấy, 5 năm qua, huyện Gia Lâm đã tập trung tạo đột phá cho hạ tầng. Tháng 10/2020, huyện đã khánh thành đường Ỷ Lan, đoạn từ điểm đầu Dốc Lời đến ngã tư giao với đường 181, có chiều dài 2.310 m, rộng 23 m với bốn làn xe, đồng bộ các hạng mục: Giao thông, thoát nước, cấp nước, cây xanh, chiếu sáng. Chủ tịch UBND xã Ðặng Xá Nguyễn Thị Nam chia sẻ: Cùng với việc được hưởng lợi từ dự án tuyến đường hạ tầng khung, xã còn được đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, giao thông trục chính…
trị giá hàng chục tỷ đồng, giúp địa bàn ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án trên địa bàn huyện đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng những tuyến đường hạ tầng khung như: đường Ðông Dư – Dương Xá, đường Yên Viên – Ðình Xuyên – Phù Ðổng, đường theo quy hoạch từ đường 179 đến đường gom cao tốc Hà Nội – Hải Phòng… góp phần thúc đẩy giao thương, tạo thêm động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cụ thể hóa mục tiêu lên quận đến năm 2023.
Tại huyện Hoài Ðức, theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Trường, thực hiện đề án phát triển lên quận, huyện đã xây dựng tám tuyến đường giao thông khung với chiều dài 40,52 km; xây dựng chín tuyến đường trục chính, đường bao các khu dân cư với chiều dài 16 km; xây dựng mới 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp 16 trạm y tế; 100% số xã, thị trấn có hệ thống cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 90%… Hiện đã đạt 22 tiêu chí trong 27 tiêu chí để trở thành quận.
Cùng với Hoài Ðức và Gia Lâm, ba huyện khác của Hà Nội là Ðông Anh, Thanh Trì và Ðan Phượng cũng đang nỗ lực triển khai các công việc để phấn đấu lên quận trong giai đoạn từ nay đến 2025. Ðến nay, huyện Thanh Trì đã đạt 24 trong số 27 tiêu chí, còn ba tiêu chí chưa đạt gồm cân đối thu, chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng.
Ðối với huyện Ðông Anh, tháng 11/2020, Bộ tiêu chí hợp nhất xây dựng huyện thành quận, huyện nông thôn mới nâng cao đã được triển khai, áp dụng trên toàn địa bàn gồm 10 nhóm chỉ tiêu với 32 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, đã hoàn thành 18 trong số 32 chỉ tiêu, chưa hoàn thành 14 trong số 32 chỉ tiêu. Huyện thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn ngay từ năm 2021 đối với bảy trong số 14 tiêu chí chưa đạt để dần hoàn thành các chỉ tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025. Còn huyện Ðan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao, đang phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2021, tạo tiền đề quan trọng để lên quận.
Ðồng hành cùng các huyện, trong giai đoạn 2016 – 2020, ngân sách thành phố cũng đã bố trí 10.690 tỷ đồng để đầu tư các dự án trên địa bàn năm huyện (không tính các dự án giao thông đi qua trên hai địa bàn). Tuy nhiên đến nay, theo 27 tiêu chuẩn đạt quận của các đề án mà thành phố Hà Nội ban hành, cả năm huyện đều có từ ba đến sáu tiêu chí chưa đạt; cả năm huyện đều chưa đạt hai tiêu chí quan trọng là cân đối thu, chi ngân sách và mật độ đường giao thông đô thị. Như tại huyện Hoài Ðức, dù được xác định là địa phương đầu tiên trở thành quận trong thời gian tới, hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phùng Bá Nhân, trong năm tiêu chí còn thiếu, có tiêu chí cơ sở y tế cấp đô thị đạt 50% và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 16% được xác định ở mức thấp, còn ba tiêu chí khác hiện đạt từ 70% đến 95%. Bên cạnh đó, nhiều xã cũng đang vướng một số tiêu chí lên phường như: Cân đối thu, chi ngân sách, tỷ lệ xử lý nước thải, đất cây xanh. Một số xã, như: Ðức Giang, Di Trạch, An Thượng, Kim Chung… mới đạt từ 10 đến 12 tiêu chí trong số 15 tiêu chí xã lên phường.
Còn nhiều vướng mắc
Ðể tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và thúc đẩy nhanh hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này, tháng 4/2021, Thành ủy Hà Nội đã có Quyết định số 949-QÐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển năm huyện thành quận của Hà Nội, trong đó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo. UBND các huyện đã chủ động, cùng với sự phối hợp, hướng dẫn của các sở, ngành để thực hiện một số nội dung liên quan đến các tiêu chí lên quận.
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội, để tạo điều kiện phát triển lên quận, các huyện đều có đề xuất về cơ chế, chính sách và đầu tư, như điều chỉnh tỷ lệ phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa cấp thành phố với cấp huyện, cấp xã theo hướng tăng cường phân cấp cho cấp huyện, cấp xã nhằm sớm hoàn thiện tiêu chí cân đối thu chi và tạo nguồn đầu tư xây dựng các dự án. Ðồng thời kiến nghị thành phố sớm triển khai đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là các tuyến đường trục chính, tuyến đường hạ tầng khung tạo tiền đề thu hút, xúc tiến đầu tư và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện, sớm hoàn thành các tiêu chí còn chưa đạt. Trên cơ sở các đề xuất này, Sở sẽ tham mưu cho các huyện rà soát lại danh mục các dự án đề xuất thành phố hỗ trợ giai đoạn 2021 – 2025 để sớm đáp ứng các tiêu chí chưa đạt.
Cùng với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của thành phố, các huyện đang tập trung cao độ cho nhiệm vụ quan trọng này. Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường thông tin, để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện lên quận vào năm 2023, huyện phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách huyện bình quân từ 12% đến 14% và đến năm 2023, tỷ lệ cân đối thu, chi ngân sách của huyện đạt 99,8%, cơ bản đáp ứng tiêu chí của quận. Ngoài ra, huyện đã xác định danh mục các dự án đầu tư về hạ tầng đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xã hội với tổng nhu cầu kinh phí của huyện trong giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 11.214 tỷ đồng.
Bí thư Huyện ủy Ðông Anh Lê Trung Kiên cho biết, huyện đã đề xuất thành phố sớm triển khai 22 dự án hạ tầng khung thuộc nhiệm vụ chi giai đoạn 2021 – 2025; đẩy mạnh hoạt động cấp nước sạch cho người dân ở một số xã; chú trọng việc xử lý nước thải, chỉnh trang đô thị.
Còn Chủ tịch HÐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết, phấn đấu hết năm 2023 đáp ứng tiêu chuẩn quận, huyện Gia Lâm kiến nghị thành phố điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội khu vực Ðông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện; lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch vùng huyện Gia Lâm đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050 tỷ lệ 1/25.000, tạo định hướng phát triển ổn định cho huyện trong thời gian tới. UBND thành phố phân cấp cho huyện được hưởng 100% tiền sử dụng đất các doanh nghiệp nộp khi thực hiện dự án thu hồi đất trên địa bàn.
Cơ bản đồng tình với những đề xuất này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, tuy đã có nhiều nỗ lực, song việc triển khai thực hiện các đề án của các địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Do đó, các huyện phải xác định quyết tâm và trách nhiệm cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Ðồng thời các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các huyện trong quá trình triển khai thực hiện Ðề án, theo chức năng nhiệm vụ rà soát, tham mưu UBND thành phố tháo gỡ khó khăn cho các huyện để thực hiện mục tiêu năm huyện lên quận theo kế hoạch đề ra.