BVR&MT – Sáng kiến Xanh ASEAN phục hồi và trồng ít nhất 10 triệu cây bản địa trong 10 năm tới đã được khởi động nhằm “chấm dứt nghèo đói, chống biến đổi khí hậu và xóa bỏ tình trạng tuyệt chủng hàng loạt.”
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, nhân kỷ niệm 54 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN ngày 8/8/1967), Trung tâm Đa dạng Sinh học ASEAN (ACB) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN đã khởi động Sáng kiến Xanh ASEAN (AGI) nhằm tăng cường các nỗ lực phục hồi và trồng ít nhất 10 triệu cây bản địa trong 10 năm tới.
Thể hiện sự hợp tác và cam kết mạnh mẽ của 10 nước thành viên ASEAN trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái trong khu vực, AGI nhằm mục đích thiết lập tiêu chuẩn để công nhận các hoạt động và chương trình trồng cây trong toàn khu vực, không chỉ phục hồi rừng mà còn góp phần cải thiện cuộc sống, sinh kế của người dân và xây dựng khả năng phục hồi.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc điều hành ACB Theresa Mundita Lim nêu rõ: “Tại khắp ASEAN, đang có những nỗ lực phục hồi thiên nhiên đáng khen ngợi. Với AGI, chúng tôi hy vọng sẽ ghi nhận những sáng kiến xuất sắc giải quyết toàn diện các mối quan tâm của người dân và môi trường,” đồng thời liệt kê các phong trào trồng cây trong khu vực, chẳng hạn mục tiêu của Singapore trồng một triệu cây trong 10 năm, chiến dịch trồng 100 triệu cây của Malaysia.
Về phần mình, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội Kung Phoak, nhấn mạnh rằng một trong số các mục tiêu chính của AGI là tiếp tục xây dựng và duy trì động lực cho các hành động tập thể mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao nhận thức và cho phép sở hữu, có thể được thực hiện “bằng cách đơn giản như trồng cây ở sân sau của nhà bạn.”
Trong chương trình trò chuyện mang tên “BiodiversiTboards,” đại diện của Cộng đồng phân bổ tài nguyên, Tập đoàn đầu tư Metro Pacific, Nhóm bảo tồn rừng ngập nước Boon Rueang của Thái Lan và các nước thành viên ASEAN đã trao đổi thông tin chi tiết và cập nhật về các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với AGI.
AGI được Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tài trợ thông qua Dự án bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học tại ASEAN (BCAMP) và giai đoạn hai Dự án tăng cường thể chế lĩnh vực đa dạng sinh học tại ASEAN.
Việc khởi động và triển khai AGI phù hợp với Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc – phong trào toàn cầu nhằm thúc đẩy các mục tiêu và cam kết phục hồi được phát động từ năm nay.
Chiến dịch này là lời kêu gọi tập hợp trước nhu cầu cấp thiết phải ngăn chặn, dừng và đảo ngược tình trạng suy thoái hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm “chấm dứt nghèo đói, chống biến đổi khí hậu và xóa bỏ tình trạng tuyệt chủng hàng loạt.”
Chiếm 60% diện tích đất than bùn nhiệt đới của thế giới, 42% rừng ngập mặn và 15% rừng nhiệt đới, ASEAN đóng vai trò quan trọng trong lời kêu gọi toàn cầu về phục hồi hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học.
Mặc dù được biết đến với sự đa dạng sinh học phong phú, song ASEAN cũng dễ bị tổn thương bởi các rủi ro liên quan đến khí hậu và các hoạt động của con người