BVR&MT – Dưới tác động kép của cả hiện tượng Trái Đất ấm lên và đô thị hóa, một số thành phố trên thế giới có thể sẽ phải chứng kiến mức nhiệt tăng thêm 8 độ C vào cuối thế kỷ 21.
Điều này gây hậu quả nặng nề đối với sức khỏe của người dân tại các đô thị, khiến các công ty và các ngành công nghiệp mất những lao động có năng lực cũng như gây sức ép lên các nguồn tài nguyên vốn ngày một trở nên cạn kiệt, trong đó có nước.
Cảnh báo trên được các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu môi trường Hà Lan đưa ra trên tạp chí Nature Climate Change số ra ngày 29/5.
Để đưa ra cảnh báo trên, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu thu được tại 1.692 thành phố lớn nhất thế giới trong giai đoạn 1950 đến năm 2015.
Theo các nhà khoa học, 5% số thành phố đông dân nhất thế giới ở đầu bảng xếp hạng sẽ phải chứng kiến mức tăng nhiệt khoảng 8 độ C hoặc thậm chí cao hơn vào năm 2100.
Hiện tượng Trái Đất ấm lên sẽ khiến một số thành phố có mức tăng nhiệt gần 5 độ C. Các thành phố còn lại sẽ chịu tác động của Đảo Nhiệt đô thị (UHI), vốn xảy ra khi các công viên, ao hồ bị thay thế bởi ximăng, nhựa đường, khiến các thành phố này có nền nhiệt cao hơn các khu vực xung quanh.
Các nhà khoa học cũng đã kết hợp kết quả nghiên cứu khác nhau về mức ấm lên trung bình của Trái Đất với các nguy cơ tiềm ẩn và tác động của UHI để đánh giá thiệt hại trong tương lai khi các thành phố trở nên nóng hơn.
Thiệt hại kinh tế mỗi năm của các thành phố đông dân nằm giữa bảng xếp hạng ước tính khoảng từ 2,3-5,6% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2100 và từ 1,4-1,7% GDP vào năm 2050. Các thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể sẽ phải chịu mức thiệt hại lên tới 10,9% GDP vào năm 2100.
Cũng theo các nhà khoa học, UHI làm tăng đáng kể nhiệt độ thành phố và thiệt hại kinh tế. Do đó, các địa phương cần hành động nhằm làm giảm UHI, trong đó có việc trồng thêm nhiều cây xanh, sử dụng vật liệu làm mát để làm mái nhà hoặc vỉa hè.
Dù chỉ chiếm khoảng 1% bề mặt Trái Đất song hiệu quả kinh tế mà các thành phố mang lại là rất lớn, chiếm khoảng 80% GDP của thế giới và chiếm khoảng 78% lượng tiêu hao năng lượng. Các thành phố này còn phát thải hơn 60% lượng carbon dioxide (CO2) do việc đốt than đá, dầu mỏ và nhiên liệu.