BVR&MT – Các huyện vùng núi cao tỉnh Quảng Ngãi, nơi có phần lớn bà con đồng bào Ca Dong sinh sống đã, đang được hỗ trợ chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp thổ nhưỡng. Huyện Sơn Tây là thí dụ trong việc lựa chọn mô hình làm kinh tế vườn, từng bước mang lại thu nhập ổn định và mở hướng phát triển kinh tế.
Phát triển kinh tế vườn
Cách trung tâm huyện miền núi Sơn Tây gần 20 km, Sơn Long là xã vùng sâu, nơi thường xuyên sạt lở núi mỗi mùa mưa lũ. Những ngày này, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhi ở thôn Ra Pân tất bật cho vụ thu hoạch vườn bưởi da xanh thứ hai trên diện tích 1,2 ha. “Sau bốn năm trồng, vườn bưởi da xanh bước đầu cho sản lượng cao. Thu nhập năm đầu được hơn 40 triệu đồng, tạo động lực cho mình thêm niềm tin để phát triển kinh tế vườn trên quê nhà”, chị Nhi phấn khởi cho biết.
Tuy vùng này được biết đến là “vương quốc” trồng cau, keo với diện tích hơn 500 ha cau, và hàng nghìn ha diện tích rừng keo…, nhưng thu nhập của bà con không được ổn định. Vì vậy, lãnh đạo địa phương đã tập trung đưa các dự án, chương trình về cho các hộ gia đình đồng bào với mong muốn tạo “cần câu” giúp người dân vượt khó và từng bước hình thành hướng phát triển kinh tế vườn cho các xã vùng sâu ở huyện Sơn Tây.
Vào cuối năm 2018, dự án trồng và tiêu thụ bưởi da xanh thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đầu tiên ở xã Sơn Liên, với số vốn đầu tư khoảng 1,9 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 900 triệu đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 500 triệu đồng cùng sự góp sức của người dân để triển khai. Mới đầu chỉ có 14 hộ tham gia trồng trên diện tích 12 ha, đặt mục tiêu thay đổi rừng keo tạp thành vườn chuyên canh bưởi da xanh. Ðến nay, diện tích đã phát triển tăng lên gần 60 ha bưởi da xanh, nhiều vườn cây các xã vùng sâu như Sơn Bua, Sơn Long cho sản lượng từ 40 đến 100 quả/cây. Với giá thành bán ra từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg, thu nhập của hộ gia đình thu được đáng kể và ổn định hơn trước.
Hướng mở làm ăn cho làng bản
Trong ba năm qua, huyện Sơn Tây đã triển khai chín dự án trồng cây ăn quả, trong đó, tám dự án trồng bưởi da xanh quy mô 33 ha; dự án trồng chuối hơn 5 ha và các vườn cây trái kết hợp như ổi, cam… Chương trình bước đầu thu hút được hơn 60 hộ, phần lớn là bà con Ca Dong tham gia làm kinh tế vườn. Hiện các dự án trồng vườn chuyên canh cây ăn trái triển khai ở năm xã vùng sâu là Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Mùa, Sơn Bua và Sơn Lập (huyện Sơn Tây).
Ðể triển khai thực hiện, ngành nông nghiệp phối hợp cùng chính quyền cơ sở nghiên cứu thực hiện theo từng giai đoạn để đánh giá hiệu quả và tiến đến mở rộng về các hộ gia đình, lên kế hoạch bài bản từ khâu chọn lựa các hộ dân, hỗ trợ cây giống có điều kiện, chỉ dẫn kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc mới cho từng thành viên tham gia. Mặt khác, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong canh tác. Từ đó, huyện Sơn Tây đã hình thành các dự án sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh và cây chuối mốc đạt tiêu chuẩn VietGap ngay trên vùng cao của địa phương. Diện tích trồng cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống trên vùng núi đạt 97%.
Sau thời gian triển khai, kết quả bước đầu thu được là đồng bào đã thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, mạnh dạn và tự chủ hơn trong các quyết định đầu tư làm kinh tế hộ gia đình. Hiện các xã vùng sâu tiếp tục huy động các nguồn lực cùng với sự đồng hành của người dân để mở rộng tổ chức sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.