BVR&MT – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào Luật cơ chế thu phí rác thải, quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc đổ đồng theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới đây đã bổ sung các chính sách, quy định, công cụ mới về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Các nhà soạn thảo kỳ vọng khi áp dụng vào thực tiễn, các quy định này sẽ huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, các thành phần kinh tế bao gồm thuế, phí, cơ chế đặt cọc-hoàn trả, ký quỹ, trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất… nhằm thay đổi hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo hướng giảm thiểu chất thải.
Thúc đẩy thị trường tái chế, tái sử dụng
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2019 cho thấy việc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn là một trong những giải pháp quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải cũng như thực hiện nội dung về kinh tế tuần hoàn.
Các nước châu Âu, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã hình thành một thị trường tái chế chất thải với sự tham gia của các bên dựa trên nhu cầu về nguồn cung và sử dụng các sản phẩm tái chế.
Tuy nhiên, để duy trì thị trường này, các nước đều có các quy định mang tính bắt buộc và khuyến khích, hỗ trợ để duy trì và phát triển thị trường như: áp dụng chính sách về trách nhiệm của nhà sản xuất; chương trình hệ thống đặt cọc hoàn trả đặc biệt áp dụng đối với các loại vỏ chai, đồ uống nhằm mục tiêu thu hồi và tái sử dụng…
Điển hình, Hàn Quốc đã thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm tài nguyên, tăng 75% khối lượng tái chế trong hơn 10 năm (2003-2017), trong đó năm 2017 có tới 92% chất thải nhựa được tái chế.
Một số nước có quy định tỷ lệ tái chế tối thiểu, tức phải sử dụng nguyên liệu tái chế làm đầu vào cho quá trình sản xuất thay thế cho nguyên liệu thô khai thác tự nhiên, tạo ra nhu cầu về nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế chất thải.
Mặt khác, các nước cũng có cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm từ tái chế chất thải, trước hết là khuyến khích thực hiện thông qua chương trình mua sắm công. Nhà nước và các cơ quan Chính phủ sẽ là nhóm khách hàng đầu tiên, tiếp đến là doanh nghiệp và người dân.
Việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tái chế là giải pháp cơ bản để thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải. Các sản phẩm tái chế đều được gắn nhãn xanh hoặc logo, biểu tượng đặc trưng giúp người tiêu dùng dễ nhận biết.
Bên cạnh đó, các nước có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế… giúp các sản phẩm tái chế có nhiều hơn cơ hội thâm nhập thị trường.
Ngoài ra, các quốc gia đã sử dụng công cụ tài chính trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó nổi bật là phí sản phẩm, hệ thống thu phí rác thải dựa trên khối lượng, hệ thống hoàn trả tiền gửi, trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng.
Luật hóa để đưa vào cuộc sống
Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ đầu năm 2022, đã bổ sung và áp dụng lần đầu liên quan đến phân loại rác tại nguồn, tiệm cận với quy định của các quốc gia phát triển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào Luật cơ chế thu phí rác thải, quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc đổ đồng theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay, góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn. Đồng thời, luật quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm thu hồi và tái chế sản phẩm hoặc bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo tỷ lệ tái chế và quy cách, tiêu chuẩn tái chế quy định.
Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện trách nhiệm tái chế thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường.
Để đảm bảo việc nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bổ sung cơ chế đặt cọc, hoàn trả bao bì sản phẩm, quy định cho phép chủ thể này được bổ sung chi phí thu hồi vào giá sản phẩm để người dân trả lại bao bì sản phẩm được nhận lại khoản tiền này, điều này thúc đẩy việc tăng tỉ lệ tái sử dụng bao bì hoặc tái chế sản phẩm, góp phần làm thay đổi hành vi tiêu dùng.
Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Luật quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý (người dân có thể bán). Chất thải chưa phân loại hoặc những loại chất thải khác không có khả năng tái sử dụng, tái chế thì hộ gia đình, cá nhân phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Luật quy định trách nhiệm phân loại của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích việc phân loại như trước đây.
Căn cứ thực tế tại địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh.
Ủy ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Tại các điểm tập kết rác thải, việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối và thông báo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm thông qua hệ thống camera giám sát.
Tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn, vận động cộng đồng, gia đình, cá nhân phân loại và tập kết rác thải tại địa điểm quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của gia đình, cá nhân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã điều chỉnh việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác để bảo đảm khả thi hơn khi thực hiện.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết luật đã quy định cụ thể rõ ràng cho phép chính quyền địa phương thu chi phí để chi trả giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua việc bán túi nilon. Người dân sẽ bỏ rác vào túi, túi càng to, giá càng cao nên muốn trả ít tiền, người dân phải hạn chế rác thải và đơn vị thu gom chỉ thu gom rác thải được đựng trong túi nylon này.
Thời hạn phải áp dụng quy định này chậm nhất là ngày 1/1/2025 và giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định việc áp dụng lộ trình để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế về nhận thức, hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn ở nước ta hiện nay, bởi vấn đề phân loại rác thải tại nguồn chỉ thực sự hiệu quả khi đồng bộ với hạ tầng thu gom, xử lý.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam giai đoạn 2021-2026,” góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Đến năm 2025, sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.