BVR&MT – Việc xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ngày càng được người nông dân quan tâm. Không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, các mô hình này đã và đang góp phần thay đổi tư duy, thói quen, tập quán sản xuất của nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường. Một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao và được triển khai rộng rãi hiện nay là trồng dưa lưới trong nhà màng.
Đến thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình ông Dương Hiếu Thảo (ấp Mỹ Hóa), một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn xã Tân Hòa (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Trên diện tích 1.000m2, ông Thảo xuống giống 2.600 cây dưa lưới. Đến nay, sau 7 vụ canh tác, ông Thảo đánh giá, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình canh tác truyền thống.
Thời gian đầu làm quen với giống cây trồng mới, ông Thảo gặp nhiều khó khăn. Vụ đầu tiên, gia đình ông tiến hành thụ phấn cho cây dưa lưới bằng phương pháp thủ công. Cách làm này mất nhiều thời gian và công sức nhưng hiệu quả mang lại không khả quan.
Đến vụ thứ 2, ông Thảo nghiên cứu, sử dụng cách thụ phấn cho hoa bằng ong. Nhờ vậy đã giúp giảm bớt thời gian và công sức; tỷ lệ đậu trái cao hơn, năng suất trái được đảm bảo, không mất nhiều thời gian, công sức như trước. Điều đặc biệt, việc canh tác dưa lưới thực hiện dễ dàng nhờ sử dụng hệ thống điều khiển tự động công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Hệ thống tưới được quản lý bằng điện thoại thông minh nên không mất nhiều thời gian chăm sóc.
Đến nay, 2.600 dây dưa lưới đang cho trái, trọng lượng từ 1-1,2kg. Nhờ được kiểm soát chặt chẽ nên dưa tạo lưới đẹp và lượng đường đảm bảo tiêu chuẩn. Ông Thảo cho biết, giống dưa lưới ông Thảo trồng là F1 TL3 do Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao DH Farm (huyện An Phú, tỉnh An Giang) cung cấp, đồng thời hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Giống dưa lưới này có ưu điểm: sức sống mạnh, dễ trồng, kháng bệnh cao. Dưa lưới cho trái giòn, lưới nổi dày, vỏ cứng nên sau khi thu hoạch có thể bảo quản trong thời gian lâu hơn. Giống dưa này có trọng lượng trung bình 1,6kg/trái, năng suất đạt khoảng 30 tấn/ha…
Nói về hiệu quả mô hình trồng dưa lưới, ông Thảo phấn khởi chia sẻ: “So với các loại cây trồng khác, trồng dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, loại nông sản này hiện nay được công ty bao tiêu nên không phải lo lắng về đầu ra”.
Tại huyện Tri Tôn, việc trồng dưa lưới được nông dân nhiều địa phương nhân rộng. Tại xã Tà Đảnh, gia đình ông Phan Văn Thụ là một trong những người tiên phong trong việc đưa cây trồng này về địa phương. Trên diện tích 1.000m2, ông Thụ trồng khoảng 2.500 cây dưa lưới. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên diện tích dưa lưới của gia đình ông phát triển tốt. Sau 75 ngày trồng, vườn dưa cho năng suất trên 1 tấn trái, trọng lượng từ 1,2 – 1,6kg/trái. Với giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Thụ thu về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.
Dưa lưới là loại cây trồng “khó tính”, nếu canh tác theo cách truyền thống, cây rất khó sinh trưởng và phát triển tốt. Do vậy, dưa lưới thường được canh tác trong nhà màng, nhà lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Theo ông Thụ, việc trồng dưa lưới trong nhà màng giúp việc quản lý được dễ dàng, thuận tiện. Nhà màng còn giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, từ đó giúp giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, tạo ra nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng…
Mặt khác, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt giúp chất dinh dưỡng được hấp thụ tốt, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Nhờ việc ứng dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật vào sản xuất đã tạo điều kiện cho gia đình ông Thụ canh tác 4 vụ trong năm. Đặc biệt, dưa lưới đang được công ty bao tiêu nên gia đình ông không phải lo lắng về đầu ra.
Từ những điển hình trên có thể thấy, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở từng địa phương. Đây là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng có những khó khăn nhất định, như: vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi phải tốn nhiều công chăm sóc, phải thật tỉ mỉ chăm bón… Do đó, người nông dân phải biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất mới có thể thành công.