BVR&MT – Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến giá cả một số mặt hàng nông sản xuống thấp và khó tiêu thụ. Tuy nhiên, người trồng dâu nuôi tằm tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) vẫn có thu nhập ổn định nhờ thiết lập chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Nông hội trồng dâu nuôi tằm thị trấn Chư Sê có 50 thành viên tham gia liên kết sản xuất hơn 30 ha dâu. Thời gian qua, Nông hội liên kết với Công ty Dâu tằm tơ Minh Tuyết (tỉnh Lâm Đồng) để hỗ trợ các hộ dân tham gia chuỗi sản xuất về kỹ thuật trồng, chăm sóc dâu, nuôi tằm lấy kén, cung cấp giống tằm, vật tư làm trại cũng như bao tiêu sản phẩm với giá ổn định.
Nhận thấy trồng dâu nuôi tằm không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, ít tốn công chăm sóc, nhất là được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên ông Nguyễn Hải Dương (thôn Bầu Zút) quyết định trồng hơn 1 ha dâu để nuôi tằm. Ông cho biết: “Khi tham gia chuỗi liên kết, tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm lấy kén… Đặc biệt, Công ty cung cấp giống tằm chất lượng nên tỷ lệ sống cao, kén đạt chất lượng. Trung bình mỗi tháng, tôi nuôi 4 hộp tằm giống, thu 2-2,4 tạ kén. Với giá bán dao động trong khoảng 130-170 ngàn đồng/kg kén, sau khi trừ chi phí, tôi thu về 15-20 triệu đồng/tháng”.
Tương tự, từ khi chuyển toàn bộ diện tích hồ tiêu bị chết do dịch bệnh sang trồng dâu nuôi tằm (năm 2018), cuộc sống của gia đình ông Đỗ Xuân Bình (làng Hăng Ring) dần đi vào ổn định. “Với 3 ha dâu, mỗi tháng, tôi nuôi 8-10 hộp tằm giống, mỗi hộp thu khoảng 50 kg kén. Công ty Dâu tằm tơ Minh Tuyết bao tiêu với giá trên 130 ngàn đồng/kg kén, gia đình tích lũy được 30-40 triệu đồng/tháng, cao hơn so với trồng hồ tiêu, cà phê”-ông Bình cho hay.
Theo ông Trịnh Đình Hóa-Chủ nhiệm Nông hội trồng dâu nuôi tằm thị trấn Chư Sê, khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất, người dân được Công ty Dâu tằm tơ Minh Tuyết cung cấp vật tư làm trại nuôi cũng như hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng. Đến khi thu hoạch, Công ty mới khấu trừ tiền đầu tư. Trung bình mỗi tháng, Công ty thu mua của người dân khoảng 1 tỷ đồng tiền kén. “Chất lượng kén được Công ty đánh giá cao hơn so với những tỉnh khác. Do đó, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình, thu hút thêm các hộ dân tham gia trồng dâu nuôi tằm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”- ông Hóa nói.
Được biết, năm 2020, huyện Chư Sê đầu tư 1 tỷ đồng liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang triển khai Dự án xây dựng vùng trồng dâu nuôi tằm công nghệ cao trên địa bàn 6 xã với quy mô 50 ha. Theo đó, các hộ dân được hỗ trợ giống dâu, dụng cụ nuôi tằm, một phần con giống và được cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, chăm sóc, nuôi tằm lấy kén… Năm 2021, huyện đầu tư 540 triệu đồng để mở rộng quy mô thêm 27 ha.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Trên địa bàn huyện có 3 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ dâu tằm với quy mô hơn 100 ha, bước đầu đem lại hiệu quả cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với các hộ dân tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tất cả các khâu: trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế biến và tiêu thụ. Trong đó, tập trung xây dựng vùng sản xuất dâu tằm ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững”.