BVR&MT – Trong ý kiến, kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm về tình hình dịch bệnh và chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao về kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh và rất nguy hiểm, song với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, bước đầu chúng ta đã khoanh vùng, cơ bản kiểm soát được tình hình (hiện nay cả nước chúng ta đang hướng về Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, chia sẻ, động viên, góp công sức để cùng nhau phòng, chống dịch bệnh bùng phát lần thứ tư).
“Cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đối với lực lượng tuyến đầu, các y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, tổ Covid cộng đồng, các tình nguyện viên đã làm việc quên mình, dấn thân hoàn thành nhiệm vụ để góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của nhân dân trước đại dịch cực kỳ nguy hiểm có tính chất toàn cầu” – Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV nêu rõ.
Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi đích thân Thủ tướng Chính phủ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự, chỉ đạo, phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc, lớn nhất trong lịch sử. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu, cam kết của các nhà cung ứng lỏng lẻo, vaccine trong nước đang trong giai đoạn thử nghiệm, chúng ta phải có giải pháp thật sự đột phá, khả thi thì mới đạt được tỷ lệ tiêm chủng 75% dân số của cả nước như kế hoạch của Bộ Y tế.
Cử tri và nhân dân lo lắng nếu không đạt được kế hoạch tiêm chủng vaccine thì kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế – xã hội sẽ có độ trễ, đời sống của nhân dân tiếp tục khó khăn, nhất là các đối tượng yếu thế, người mất việc làm, thiếu việc làm do phải thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.
Một vấn đề khác liên quan đến gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cử tri và nhân dân cho rằng, công tác triển khai thực hiện còn lúng túng, xác định đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp với bối cảnh, tình hình, do vậy giải ngân kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đạt tỷ lệ thấp, không đạt được mục tiêu như dự kiến. Đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các cấp, cơ quan liên quan cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và người dân một cách thực chất, thiết thực hơn.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, trong nội dung kiến nghị tới Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm minh bạch, bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine của người dân; quản lý chặt chẽ và công khai các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống Covid-19, nhất là nguồn tài trợ, quyên góp ủng hộ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.