BVR&MT – Đấu giá quyền sử dụng đất lấy kinh phí xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rầm rộ trong gần 10 năm trở lại đây.
Những năm qua, việc xây dựng các điểm dân cư nhỏ ở khu vực nông thôn đã tạo ra nguồn tài chính lớn để các địa phương hoàn thiện tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt các điểm dân cư nhỏ về lâu dài vừa gây lãng phí nguồn lực đất đai, vừa không nâng cao được chất lượng sống của người dân.
Đua nhau
Đấu giá quyền sử dụng đất lấy kinh phí xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rầm rộ trong gần 10 năm trở lại đây. Trong khoảng thời gian này, đã có hàng trăm điểm dân cư nhỏ lẻ đã được quy hoạch, xây dựng. Hàng nghìn lô đất được đấu giá thành công. Các địa phương thu một nguồn kinh phí khổng lồ phục vụ phong trào xây dựng nông thôn mới. Chính nhờ dựa vào nguồn kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất, nhiều địa phương đã sớm về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao…
Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên mọi nguồn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế, đường giao thông, nhà văn hóa… của xã Hùng Thắng (Bình Giang) đều trông chờ vào tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Tận dụng lợi thế nằm cạnh đường liên xã, những năm qua, Hùng Thắng đã quy hoạch, xây dựng và tổ chức đấu giá quyền sử dụng hàng trăm lô đất ở các thôn Lương Phúc và Hòa Ché. Ông Phạm Đình Muôn, Chủ tịch UBND xã Hùng Thắng cho biết kinh phí từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất đã giúp xã hoàn thành các tiêu chí còn thiếu trong xây dựng nông thôn mới. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí cấp trên hỗ trợ, địa phương sẽ rất khó xoay xở. Vì lý do này, những phần đất đẹp cạnh đường lớn đều đã được quy hoạch xây dựng khu dân cư và tổ chức đấu giá liên tục.
Tại xã Chi Lăng Nam, cuối năm 2020, địa phương cũng đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng gần 60 lô đất nằm cạnh đường tỉnh 396. Tổng số tiền trúng đấu giá khoảng 71 tỷ đồng, trong đó xã được hưởng 30%, tương đương khoảng 21 tỷ đồng. Số tiền này giúp Chi Lăng Nam có nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện các tiêu chí trường học, đường giao thông nông thôn… Hiện xã đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xong quy hoạch để xây dựng thêm một điểm dân cư mới tại thôn An Dương với tổng diện tích gần 4.000 m2 ngay cạnh điểm dân cư đã đấu giá cuối năm ngoái. “Hiện tại, xã chỉ trông vào tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất để kiến thiết, xây dựng các công trình, tiêu chí của nông thôn mới nâng cao. Nếu không có nguồn lực từ đất, địa phương sẽ rất khó bố trí vốn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được giao”, ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam cho biết.
Những điểm dân cư mới có diện tích từ vài nghìn m2 đến dưới 2 ha được phát triển mạnh mẽ do kinh phí đầu tư ít, tỷ lệ đấu giá thành công cao. Hầu như địa phương nào cũng đề xuất quy hoạch, xây dựng điểm dân cư với mục đích tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Cần giảm bớt
Theo đánh giá của các chuyên gia quy hoạch, việc xây dựng nhiều điểm dân cư nhỏ thời điểm này lợi ít, hại nhiều. Trước đây, để bán được giá, nhiều điểm dân cư được quy hoạch bám sát đường giao thông, số lượng lô đất ít, gần như bịt kín mặt tiền các tuyến đường. Tại nhiều địa phương, khi cần sử dụng diện tích đất phía sau các khu dân cư mới để bố trí cho các dự án phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao thì không còn đường vào hoặc đường vào rất nhỏ, khiến nhà đầu tư chán nản. Do quy mô nhỏ nên hầu hết các điểm dân cư nông thôn không có vườn hoa, không cây xanh, không hệ thống thoát nước. Thậm chí, hệ thống điện cũng được dùng chung với lưới điện của các khu dân cư cũ. Chất lượng cuộc sống của người dân trong các điểm dân cư nhỏ không được cải thiện nhiều so với khi sống trong các khu dân cư cũ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2011 – 2020, toàn tỉnh có 1.604 dự án, công trình, khu dân cư, điểm dân cư đã thực hiện giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng, đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích đã thực hiện khoảng 3.927 ha. Trong đó các dự án, công trình, khu dân cư, điểm dân cư đã thực hiện thủ tục đất đai từ năm 2011 đến nay cơ bản phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và được lập trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm. Giai đoạn 2021 – 2030, chỉ tiêu sử dụng đất ở nông thôn lên tới 17.000 ha. Đây là một con số khổng lồ trong bối cảnh quỹ đất ngày càng có hạn. Vì thế, việc phát triển các điểm dân cư nhỏ cần được kiểm soát một cách chặt chẽ, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020 và đề xuất nhu cầu sử dụng đất công nghiệp, đất ở giai đoạn 2021 – 2030 nêu rõ xem xét giảm bớt nhu cầu đề xuất chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở đô thị và khu dân cư nông thôn; không chuyển đổi đối với những diện tích đất nông nghiệp dưới 2 ha sang làm đất ở (trừ những vị trí phục vụ chỉnh trang xây dựng nông thôn mới), nếu là đất khác xem xét ưu tiên chuyển sang đất phục vụ công cộng như sân thể thao, nhà văn hóa… Rà soát các dự án khu đô thị, khu dân cư cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Đối với diện tích đất xen kẹp, cần xem xét đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu công cộng của cộng đồng dân cư…
Như vậy, phát triển các điểm dân cư nhỏ cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm khai thác một cách hiệu quả nhất nguồn lực đất đai ngày càng cạn kiệt, góp phần nâng cao chất lượng sống của cộng đồng cư dân khu vực nông thôn.