BVR&MT – Tàn phá rừng nhiệt đới là nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học và khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn và khoa học vẫn tranh luận xem phương pháp nào sẽ xúc tác tốt nhất cho sự phục hồi của những cánh rừng bị tổn thương. Làm thế nào để một mảnh đất ngổn ngang những gốc cây hay thậm chí là một đồng cỏ hoặc đồn điền dầu cọ có thể biến trở lại thành một khu rừng thịnh vượng với đầy đủ các loài ban đầu vốn có?
Những người coi sóc rừng hiển nhiên sẽ lựa chọn phương án trồng cây. Tuy nhiên, cách tiếp cận này vấp phải chỉ trích từ một số nhà sinh thái học phục hồi, những người cho rằng việc trồng và chăm sóc cây non là tốn kém và sử dụng không hiệu quả các nguồn tài nguyên khan hiếm. Họ cũng chỉ ra rằng carbon bị “nhốt” trong các cây đang phát triển sẽ nhanh chóng được giải phóng vào khí quyển một khi rừng trồng được khai thác và sử dụng cho các sản phẩm gỗ có tuổi thọ ngắn như giấy hoặc bìa cứng.
Một số nghiên cứu điển hình thậm chí còn ghi chép đầy đủ về việc trồng cây không mang lại kết quả mong muốn, đôi khi trái ngược hoàn toàn. Ví như khi độ che phủ rừng được mở rộng trên Cao nguyên Hoàng thổ ở Trung Quốc, xói mòn đất tăng lên và nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cũng khan hiếm hơn. Hay như ở Chile, các khoản trợ cấp cho việc trồng cây đã tạo ra động cơ xấu để trồng cây thay vì bảo tồn rừng tự nhiên. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2011, chính sách này đã làm mất độ che phủ của rừng tự nhiên và không có sự thay đổi ròng nào về lượng carbon được lưu trữ trong cây cối trên toàn quốc.
Bên cạnh trồng rừng thì tái sinh tự nhiên cũng là một phương pháp thay thế nhận được sự ủng hộ. Tái sinh tự nhiên có nghĩa là bạn muốn bảo vệ một khu vực bằng cách rào chắn lại hoặc bằng quy định luật pháp mới rồi sau đó để rừng tự phục hồi thông qua các cơ chế phát tán hạt giống tự nhiên (hạt giống có thể ngủ đông trong đất hoặc được phát tán nhờ gió, động vật).
Tái sinh tự nhiên có nhiều ưu điểm: ít đầu tư về cơ sở hạ tầng hoặc đòi hỏi bí quyết kỹ thuật, kinh phí lại khá rẻ để thực hiện. Cũng có nhiều bằng chứng cho thấy tái sinh tự nhiên có hiệu quả trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi sinh khối rừng và đa dạng sinh học. Hiện có xu hướng coi tái sinh tự nhiên như một giải pháp đôi bên cùng có lợi: vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế sinh thái xã hội đôi khi đã làm phức tạp thông điệp tích cực này.
Với bất kỳ biện pháp can thiệp nào, điều quan trọng trước tiên là phải đảm bảo lợi ích thu được vì cả rừng tái sinh tự nhiên và rừng phục hồi tích cực đều có thể tiếp tục bị suy thoái do khai thác quá mức nếu chúng không được bảo vệ tốt. Điều này đòi hỏi sự tham gia chặt chẽ của cộng đồng địa phương và các chủ đất trong quá trình ra quyết định để đảm bảo các lợi ích và chi phí phục hồi rừng được phân bổ một cách hợp lý.
Tái sinh tự nhiên thường dựa vào động vật để phát tán hạt giống. Nhưng trong nhiều khu rừng nhiệt đới, các loài động vật mang trọng trách này, nhất là các loài chim và thú lớn đã bị cạn kiệt nghiêm trọng do bị săn bắn tận diệt.
Trong các khu rừng Đại Tây Dương của Brazil, những cây có hạt lớn hơn có gỗ đặc hơn và việc mất đi các loài chim, thú lớn vốn giúp phát tán hạt giống như heo vòi hay chim toucan có thể dẫn đến tình trạng rừng phục hồi dần bị chiếm ưu thế bởi các cây gỗ nhẹ, lưu trữ ít carbon hơn.
Trong các khu rừng nhiệt đới Đông Nam Á, những cây chiếm ưu thế thường có hạt có cánh và những hạt này di chuyển trong không khí ở khoảng cách tương đối ngắn, do đó không thể tái sinh ở các vị trí cách xa nguồn hạt giống vài chục mét.
Rừng nhiệt đới thường tái sinh tự nhiên trên những vùng đất bị bỏ hoang cách xa những khu rừng nguyên sinh, hoang sơ. Nếu sự phát tán hạt giống của chúng bị hạn chế (do thiếu các loài cây vốn chiếm ưu thế ban đầu) thì những khu rừng non khi mọc lên sẽ khó tích trữ được lượng carbon một cách nhanh chóng và ít loài động vật tới cư trú hơn.
Vậy làm thế nào để tái sinh tự nhiên phù hợp với một cách tiếp cận tích cực hơn? Nhóm ba nhà khoa học đến từ Đại học Aberdeen, Đại học Dundee và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Zurich đã công bố kết quả của một nghiên cứu kéo dài 20 năm tại Malaysia nhằm giải đáp câu hỏi này.
Sau khi một khu rừng nhiệt đới ở Malaysia bị khai thác trở lại vào những năm 1980 và 1990, nhóm nghiên cứu đã đo lượng carbon mà nó còn lưu giữ trong những cây còn lại. Sau đó, nhóm theo dõi việc lưu trữ carbon này trong suốt hai thập kỷ ở những khu vực được để lại để tái sinh tự nhiên và cả những khu vực lân cận được phục hồi tích cực bằng cách trồng cây kết hợp dọn dẹp cỏ dại cùng cây dây leo.
Khi so sánh hai khu vực, nhóm nhận thấy khu rừng được phục hồi tích cực đang tích trữ các-bon nhanh hơn 50% so với khu rừng tái sinh tự nhiên. Phát hiện này được hỗ trợ bằng cách đo kích thước, số lượng cây trên mặt đất và quét laser khu rừng từ máy bay.
Hiện nhóm chưa giải thích được chính xác bằng cách nào khu rừng phục hồi tích cực đạt được mức tăng đáng ngạc nhiên đó. Tuy nhiên, một khả năng được đặt ra là những cây được trồng mới đã lấp đầy những khoảng trống lớn giữa một vài cây lớn do lâm tặc để lại, trong khi những khoảnh tương đương ở rừng tái sinh tự nhiên lại nằm ngoài tầm với của sự phát tán hạt giống tự nhiên. Khoảng cách giữa các cây non lớn hơn (do được ươm kỹ trước khi trồng mới) kết hợp với việc loại bỏ cỏ dại, dây leo cạnh tranh và lựa chọn loài cẩn thận có thể đã giúp chúng phát triển nhanh hơn và tích lũy nhiều carbon hơn theo thời gian.
Tuy nhiên, chi phí phục hồi rất tốn kém, tương ứng khoảng 1.500 USD cho mỗi ha rừng được xử lý trong suốt thời gian của dự án. Một phần chi phí này có thể được thu hồi thông qua việc bán tín chỉ các-bon (nơi mà những người gây ô nhiễm sẽ trả tiền để hoạt động phục hồi rừng “bù đắp” lượng khí thải của chính họ) nhưng việc bù đắp toàn bộ chi phí là không thực tế với giá cả hiện tại.
Chi phí cao chắc chắn sẽ hạn chế việc sử dụng phương pháp phục hồi tích cực đối với các khu vực bị suy thoái nghiêm trọng hoặc quá cách biệt, nơi ít có khả năng rừng tái sinh tự nhiên nhất. Mặc dù chúng ta vẫn phải dựa vào động vật và gió để phát tán hạt giống ở nhiều nơi nhưng trong những môi trường nhất định, trồng cây sẽ là một nhu cầu sinh thái mà chúng ta không thể chối từ.
Mai Lan (Theo The Conversation)