BVR&MT – Các nhà khoa học châu Âu mới đây đã phát hiện ra rằng, chỉ riêng một loài cây cũng có thể thực hiện nhiều chức năng sinh thái khác nhau. Điều này có nghĩa là đa dạng sinh học không chỉ tồn tại giữa các loài mà còn trong chính loài đó.
Khám phá này có ý nghĩa quan trọng trong dự báo cách thức mà các loài ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng kế hoạch quản lý rừng. Đây cũng là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch hành động của Châu Âu nhằm duy trì, tăng cường đa dạng sinh học, hấp thụ carbon, bảo đảm sức khỏe và khả năng phục hồi của hệ sinh thái rừng.
Nằm trong khuôn khổ dự án DIVERFOR do EU tài trợ, nghiên cứu có không có phạm vi rộng mà tập trung vào các khu rừng châu Âu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, từng cá thể cây riêng rẽ trong một loài cũng có thể đạt mức đa dạng chức năng sinh học cao, hay nói cách khác chúng có thể thực hiện nhiều chức năng trong hệ sinh thái như tuần hoàn dinh dưỡng, điều hòa khí hậu, sản xuất gỗ, chống xói mòn và phục hồi.
Nghiên cứu đánh giá tính đa dạng trên bằng cách đánh giá các đặc tính của cây như độ bền của lá (gắn với sức chịu đựng trước các loài động vật ăn lá), xu hướng phân nhánh của cây (gắn với khả năng độc chiếm không gian và cạnh tranh với các loài khác), nồng độ nitơ trong lá cây (gắn với vòng tuần hoàn dinh dưỡng của rừng) và thời gian ra hoa của cây (tức các cơ hội sinh sản).
Đánh giá cho thấy sự khác biệt trong một số đặc điểm nhất định giữa các cây trong cùng một loài có thể tồn tại tương tự như sự khác biệt giữa các loài cây khác nhau trong một khu rừng. Trường hợp này đặc biệt xảy ra với những loài cây chiếm ưu thế. Thậm chí, nghiên cứu còn chỉ ra rằng những loài cây này có khả năng điều chỉnh các đặc tính của mình theo môi trường xung quanh, như số loài khác quanh nó hoặc các yếu tố hữu sinh như ánh sáng, dinh dưỡng đất, nước và khí hậu.
Cả hai phát hiện trên đều có ý nghĩa rất quan trọng, bởi quần thể cây có mức độ đa dạng sinh học cao hơn, thậm chí ở ngay trong một loài, sẽ ổn định và có sức chống chịu hơn trước những thay đổi khí hậu. Điều đó có nghĩa, trong một khu vực tập trung ít loài cây, nên tập trung bảo tồn những khoảng rừng có số lượng loài lớn hơn.
Dự án DIVERFOR đã tiến hành nghiên cứu tại ba khu rừng châu Âu khác nhau: rừng taiga ở Phần Lan, rừng ôn đới thuộc núi Carpathian ở Romania và rừng Địa Trung Hải ở Tây Ban Nha. Mặc dù dự án đã chính thức kết thúc, các nhà khoa học dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về đa dạng sinh học trong một loài cây nhằm tìm hiểu cách thức ứng với những thay đổi môi trường của các loài và hệ sinh thái rừng.
Lê Thành Ý (biên dịch)