BVR&MT – Một công ty thuộc sở hữu của các thành viên hoàng gia bang Pahang, Malaysia có kế hoạch khai thác quặng sắt trong một khu bảo tồn, nơi sinh sống của 15 loài bị đe dọa, bao gồm hổ, voi, heo vòi, gấu chó và báo hoa mai.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án tiết lộ hoàng gia Malaysia đang xin phép Bộ Môi trường thông qua dự án khai thác quặng sắt rộng 60,75 ha nằm trong địa phận Khu bảo tồn rừng Som – một trong số ít môi trường sống còn lại của 15 loài động vật bị đe dọa, bao gồm chưa đầy 200 cá thể hổ Mã Lai cực kỳ nguy cấp.
Khu mỏ dự kiến sẽ phá hủy một khu vực có diện tích bằng 113 sân bóng, gây rủi ro trực tiếp cho các loài quý hiếm dù tất cả đều được bảo vệ hoàn toàn theo Đạo luật Bảo tồn Động vật Hoang dã năm 2010 của Malaysia. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án còn có thể làm tăng xung đột giữa người với động vật vì động vật bị đẩy về phía các đồn điền và khu dân cư gần đó, đồng thời tạo điều kiện cho nạn săn trộm hoành hành trong và quanh khu vực dự án.
Thêm điểm đáng quan ngại là địa điểm được đề xuất chỉ cách bãi liếm 500 m – nơi ghé thăm thường xuyên của một đàn voi lớn cùng heo vòi và gấu chó. Bãi liếm (nơi đất mặn, các loài thú thường đến liếm muối) là một nguồn tài nguyên quan trọng để động vật tăng lượng khoáng chất và cũng được bảo vệ khỏi bất kỳ sự xáo trộn nào do con người gây ra theo Đạo luật Bảo tồn Động vật Hoang dã năm 2010. Tuy nhiên, dự án mỏ sẽ không chỉ thay đổi vĩnh viễn đường đi của động vật đến liếm muối mà còn có nguy cơ làm mất toàn bộ chức năng của nguồn tài nguyên quan trọng này.
Được biết, để dọn đường cho dự án, từ tháng 6/2019, chính phủ Malaysia đã thông báo chuyển toàn bộ khu đất 60,75 ha ra khỏi Khu bảo tồn Rừng Som. Trong đó, em gái của nhà vua, bà Tengku Nong Fatimah Sultan Ahmad Shah chính là người sở hữu hợp đồng cho thuê khai thác mỏ và cũng chính bà chỉ định Công ty Golden Prosperous Resources thực hiện dự án này. Không chỉ liên quan đến dự án quặng sắt trong Khu bảo tồn Rừng Som, bà Fatimah còn là đầu mối liên hệ của dự án khai thác Hanishah Ventures tại hồ Tasik Chini dù các tài liệu của Hanishah Ventures không liệt kê bà là cổ đông.
Các dự án không chỉ gây rủi ro cho động vật hoang dã mà còn tác động nghiêm trọng tới sinh kế và cuộc sống của người dân làng quê nghèo. Báo cáo ĐTM lưu ý hoạt động nuôi trồng thủy sản của các ngôi làng ở hạ lưu sẽ bị tác động nghiêm trọng bởi dự án Hanishah Ventures, và người dân cũng có nguy cơ mất nhà cửa, sinh mạng do tần suất lũ quét ngày càng gia tăng, thường đi kèm với nạn phá rừng từ các dự án phát triển.
Lạ là mặc dù chỉ ra rất nhiều nguy cơ không thể phục hồi đối với toàn bộ hệ thực vật và động vật (bao gồm 188 loài được bảo vệ) trong khu vực được đề xuất, song Báo cáo ĐTM vẫn kết luận: với các biện pháp giảm thiểu, dự án có thể được thực hiện với các rủi ro và tác động môi trường có thể chấp nhận được.
Càng lạ hơn khi Rừng Som – vốn là khu bảo tồn được ưu tiên bảo vệ – lại đang bị bủa vây bởi các dự án mỏ, đồn điền và khai thác gỗ. Chỉ 23 ngày sau khi đệ trình đề xuất khai thác mỏ, Golden Prosperous Resources tiếp tục đệ trình một đề xuất khác để khai thác hơn 124 ha trong Khu bảo tồn rừng Bukit Ibam. Chi tiết về ĐTM này vẫn chưa được công bố rộng rãi.
Lan Nhi (Theo Mongabay)