BVR&MT – Sau khi được cứu trợ bằng gói bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, ngành đường sắt lại vừa đề nghị được hỗ trợ khoản vay 800 tỷ đồng không tính lãi để duy trì hoạt động. Điệp khúc này bao giờ kết thúc?
Liên tục lỗ và lỗ
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN hỗ trợ khoản vay 800 tỷ đồng không tính lãi nhằm bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để tránh nguy cơ phải dừng hoạt động vì tác động của dịch Covid-19. VNR cho biết dù đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như siết chặt quản trị, giảm chi phí, bao gồm giảm lương trong điều kiện sản xuất, kinh doanh khó khăn nhưng năm 2020, VNR vẫn lỗ tới hơn 1.300 tỷ đồng và DN này dự kiến năm 2021 tiếp tục lỗ khoảng 942 tỷ đồng.
Thống kê của VNR cho thấy, tổng doanh thu 5 tháng đầu năm 2021 của đường sắt chỉ đạt 1.114,1 tỷ đồng, bằng 81,6% so với cùng kỳ và chỉ bằng 60,1% so với 5 tháng đầu năm 2019, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cũng trong 5 tháng đầu năm, tổng số đoàn tàu khách bãi bỏ là 393, trong đó số đoàn tàu Thống Nhất 38 đoàn, số đoàn tàu khách địa phương 355 đoàn, do chính sách quy định hạn chế của nhiều địa phương. Đáng chú ý, do việc cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến đường sắt, nên đã có 1.169 lao động bị hoãn hợp đồng và 136 lao động nghỉ không lương, chủ yếu thuộc nhân lực của các công ty vận tải.
Trước những khó khăn, VNR tiếp tục kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động; đồng thời đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm. Ngoài ra, VNR cũng đề xuất giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm 2021 và các năm tiếp theo; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các DN vận tải đường sắt trong năm 2021.
Đây không phải lần đầu tiên VNR lấy chuyện kinh doanh thua lỗ và nguy cơ dừng chạy tàu ra làm lý do để xin chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trước đó, vào tháng 4/2021, VNR từng có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ kêu ca về việc 11.315 người lao động, tuần đường, trực gác chắn khu gian đường sắt… của DN này đang bị nợ lương, đứng trước nguy cơ phải bỏ việc. VNR kêu than đang đứng trên bờ vực phá sản và nếu người lao động bỏ việc, thì nguy cơ dừng chạy tàu hiện hữu.
Không lâu sau đó, với sự chỉ đạo của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, vấn đề giao vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho VNR đã được giải quyết. Tuy nhiên, như một thói quen, DN này lại tiếp tục kêu cứu và xin hỗ trợ, ưu đãi.
“Chiều chuộng” đến bao giờ?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch Covid-19 gây thiệt hại cho tất cả các DN trong nền kinh tế chứ không riêng gì VNR. Tuy nhiên, VNR là DN hay kêu ca và phàn nàn nhiều nhất. Nếu đánh giá về ảnh hưởng bởi Covid-19 chưa chắc đường sắt đã là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng hơn so với đường bộ và hàng không. Tuy nhiên, cách đối mặt với khó khăn, dịch bệnh của hàng không và đường bộ lại khác xa so với đường sắt.
Trên thực tế trước khi Covid-19 bùng phát, ngành đường sắt đã làm ăn thua lỗ, hành khách đi tàu sụt giảm hơn trước rất nhiều. Khi dịch bệnh xảy ra, khách đi tàu vắng hơn là điều dễ hiểu, song đường sắt vẫn còn lợi thế hơn vận tải khách bằng ô tô bởi vận tải hàng hóa không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các DN kinh doanh xe khách hầu như “lĩnh đủ đòn” của Covid-19. Phân tích về cách phản ứng với dịch bệnh khác nhau giữa DN đường sắt và DN vận tải hành khách bằng ô tô, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cốt lõi vấn đề nằm mô hình hoạt động. Điểm khác biệt chính là bởi phần lớn DN vận tải khách bằng ô tô hiện nay đều là các DN tư nhân. “Một bên là mô hình hoạt động tư nhân với sự cạnh tranh sòng phẳng của cơ chế thị trường còn một bên là “đứa con trăm tuổi” của Nhà nước. Điều này dẫn đến thái độ phản ứng khác nhau trong cùng một “dung môi” là hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng của Covid-19” – chuyên gia Nguyễn Văn Thanh nhận định.
Rõ ràng, qua câu chuyện giao vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia vừa qua khiến VNR điêu đứng như thế nào mới thấy DN này vẫn đang sống dựa vào ngân sách Nhà nước. Để vượt qua khó khăn, tự vươn mình, ngành đường sắt nên tập trung vào công việc kinh doanh sản xuất.
Trong lĩnh vực vận tải, hàng không là chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19. Nhưng vận tải đường bộ cũng chịu ảnh hưởng không kém, các nhà xe vẫn đang phải chịu cảnh chạy xe không để duy trì tuyến. Chỉ thấy đường sắt là liên tục lặp đi lặp lại cái điệp khúc dừng chạy tàu. Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long |