BVR&MT – Úc là lục địa có tỉ lệ tuyệt chủng động vật có vú cao nhất thế giới. 10% số loài ban đầu đã bị tuyệt chủng kể từ khi người châu Âu đặt chân tới lục địa phía Nam này vào cuối thế kỷ 18.
Có một số lý do dẫn tới sự suy giảm loài nhưng đáng kể nhất có lẽ là do tác loài động của các loài động vật mà người châu Âu cố tính hoặc vô ý thả vào cảnh quan Úc trước đây vốn bị cô lập. Thỏ, lợn, lừa, lạc đà, dê đều ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan và động vật hoang dã lục địa nhỏ bé nhưng gây tác hại nhất vẫn là những loài săn mồi, đặc biệt là cáo đỏ và mèo nhà khi chúng giết hàng triệu động vật bản địa mỗi năm.
Dù vậy, vẫn có một số vùng của Úc chưa du nhập nhiều động vật ăn thịt, và chính ở một trong những khu vực này, mối quan hệ đối tác bảo tồn mang tính đột phá đã mang lại những tác động tích cực.
Dambimangari là một khu vực như thế. Nằm ở Tây Bắc nước Úc, quê hương của những người dân nước mặn Wrrorra (Dambimangari) trải dài dọc bờ biển Kimberley, Dambimangari sở hữu các dãy sa thạch gồ ghề và bị chia cắt tạo nên một cảnh quan phức tạp mà những loài săn mồi du nhập khó có thể di chuyển và săn mồi. Đây cũng là lý do giúp vùng đất này không có động vật nào bị tuyệt chủng kể từ khi người châu Âu tới định cư.
“Dambimangari thật đặc biệt. Khu vực này mang trong mình vẻ đẹp ngoạn mục với một trong số những đường bờ biển hoang sơ hiếm hoi còn sót lại trên thế giới”, nhà sinh thái học thực địa cao cấp Larissa Potter từ Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Úc (AWC) chia sẻ.
Cả môi trường trên cạn và dưới biển ở Dambimangari đều vô cùng đa dạng. Đây cũng là mái nhà của một loạt các loài nguy cấp và đặc hữu như mèo túi phía Bắc (Dasyurus hallucatus), bandicoot vàng (Isoodon auratus), thú có vảy đuôi (Wyulda squamicaudata), nabarlek (Petrogale concinna) – loài có thân hình giống chuột túi sống ẩn mình giữa những tảng đá và sườn núi đá dăm của dãy sa thạch ven biển.
Dambimangari gồm hơn 720 hòn đảo, đóng vai trò là nơi trú ẩn quan trọng cho các loài đang bị đe dọa trên đất liền. Ít ai biết rằng trong suốt hơn 60.000 năm, rất lâu trước khi người châu Âu biết đến lục địa nhỏ nhất thế giới, người Dambimangari đã sống ở nơi ngày nay được gọi là Kimberley. Tuy nhiên, giống như nhiều chủ sở hữu truyền thống, trong thời gian người châu Âu tới định cư, họ bị đưa ra khỏi lãnh thổ và nằm ngoài quyền giám hộ trực tiếp trong vòng hơn 100 năm. Năm 1998, người Dambimangari đệ trình yêu cầu Quyền sở hữu bản địa, năm 2006 tiếp tục đăng ký Hội đồng Thổ dân Dambimangari (DAC) và phải mất đến 13 năm sau, các yêu cầu của họ mới được giải quyết. Năm 2011, Dambimangari chính thức được trả lại quyền giám hộ trên hơn 25.899 km2 đất liền và bờ biển.
DAC được thành lập với mục đích quản lý lợi ích của người dân Dambimangari thông qua việc phát triển Kế hoạch Quốc gia Khỏe mạnh Dambimangari – một chiến lược tổng thể nhằm quản lý và phát triển các sáng kiến mang lại một tương lai bền vững về môi trường và phù hợp với văn hóa cho khu vực và người dân.
Năm 2018, AWC được mời hợp tác với DAC nhằm thúc đẩy các mục tiêu của Kế hoạch Quốc gia Khỏe mạnh Dambimangari cùng các mục tiêu bảo tồn của AWC. Hai tổ chức đã làm việc cùng nhau để quản lý 800.000 ha và ngày càng chứng tỏ sự hợp tác mang lại lợi ích cho đôi bên.
“Người dân Dambimangari và kiểm lâm địa phương hiểu rõ lãnh thổ của họ. Trong các cuộc khảo sát thực địa, họ hỗ trợ hậu cần và chia sẻ tri thức truyền thống độc đáo”, bà Larissa cho biết.
Về phần mình, AWC hỗ trợ chuyên môn trong việc kiểm soát các loài du nhập.
Đây có thể xem là sự kết hợp giữa tri thức truyền thống hàng nghìn năm với kiến thức mới nhất trong khoa học bảo tồn phương Tây nhằm hiện thực hóa các mục tiêu bảo tồn loài trên đất Úc.
Sở dĩ AWC được chọn làm đối tác bởi tổ chức này hoạt động với mục tiêu bảo tồn hiệu quả các loài động vật bản địa cùng môi trường sống của chúng. AWC quản lý gần 65.000 km2 đất hoang dã khắp nước Úc và phần lớn đều được bảo vệ chặt chẽ để những loài bản địa không chịu áp lực từ những kẻ săn mồi du nhập. Năm 2001, AWC phát triển một mạng lưới các khu bảo tồn động vật hoang dã tại Kimberley.
Đến nay có tới 195 loài được xác nhận trong quá trình hợp tác đôi bên, bao gồm 111 loài chim, 28 loài động vật có vú, 41 loài bò sát, 15 loài ếch cùng nhiều loài khan hiếm ở những nơi khác ở Úc. Đặc biệt, số lượng lớn rừng ngày càng tăng lên.
Từ thành công của mô hình hợp tác với DAC, năm 2019, AWC tiếp tục trợ giúp Hội đồng Thổ dân Willinggin tăng cường bảo tồn các loài bị đe dọa, đồng thời tạo ra nguồn thu bền vững và các lợi ích kinh tế – xã hội cho người dân Willinggin trên 1,73 triệu ha ở Tây Bắc Kimberley.
Sơn Thủy (Theo The Ecologist)