BVR&MT – Cùng với các quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp được coi là cơ sở nền tảng để hình thành nền báo chí nhân văn. Dù ở thời kỳ nào, nền báo chí nào thì đạo đức hành nghề cũng là đòi hỏi tất yếu với người làm báo. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trước sự nở rộ của các phương tiện truyền thông mới, người làm báo càng cần nhận diện rõ, biết cách đối mặt thách thức để giữ vững đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm tính chuẩn mực và giá trị của nền báo chí cách mạng.
Sự phát triển của công nghệ cùng các tiện ích thông minh khiến việc tác nghiệp của nhà báo, phóng viên chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Chỉ với những cú click chuột, cả thế giới thông tin ở mọi lĩnh vực đời sống đã ùa ra trước mắt, và chỉ cần những nút đăng tải hay chia sẻ giản đơn, các bài viết, sản phẩm báo chí đã đến được với đông đảo người đọc.
Tuy nhiên, môi trường số cũng khiến cuộc chạy đua thông tin trên báo chí trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Khi việc đăng tải thông tin nhanh nhất, nóng nhất được xác định là yếu tố sống còn của báo chí thì cũng là lúc xuất hiện không ít trường hợp phớt lờ những quy tắc đạo đức hành nghề để đưa tin một cách bất chấp, thiếu kiểm chứng, dẫn đến thông tin sai lệch, không đúng bản chất, thậm chí là bịa đặt. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ việc hàng loạt cơ quan báo chí đã phải chịu kỷ luật khi đưa tin thất thiệt về nước mắm truyền thống, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng trực tiếp tới thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Hay vừa qua là việc một tờ báo điện tử đưa tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Mới đây nhất, Nhà hát Múa Rối Thăng Long đã phải gửi văn bản đến một số tờ báo, trang tin điện tử đề nghị gỡ bài đăng về nhân vật được giới thiệu là nghệ sĩ múa rối trẻ đến từ nhà hát, trong khi thực tế, nhân vật trên chưa từng có tên trong danh sách cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ hay cộng tác viên của đơn vị nghệ thuật này… Có không ít vụ việc cười ra nước mắt là hệ quả tai hại đến từ lối làm việc chộp giật của một bộ phận người làm báo “xa-lông”, xa rời thực tiễn, ngại đi cơ sở, thấy tin nóng là giật tít câu like, bỏ qua tác nghiệp hiện trường hay xác thực thông tin. Ðây là lý do khiến hiện tượng đăng bài rồi lại gỡ đã không còn là hy hữu.
Theo Báo cáo toàn cảnh ngành digital Việt Nam năm 2021 do WeAreSocial và Hootsuite công bố, tính đến đầu năm nay, Việt Nam có hơn 72 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm gần 74% dân số cả nước, tăng bảy triệu người so với cùng kỳ năm 2020. YouTube, Facebook, Zalo, Messenger, Instagram, TikTok… lần lượt là những ứng dụng có mức độ sử dụng phổ biến nhất. Từ đây, phần nào có thể thấy sự sôi động trong hoạt động thông tin trên mạng xã hội, nhất là khi ai cũng có thể cung cấp, đăng tải, chia sẻ thông tin một cách tức thì với các thiết bị công nghệ thông minh. Vấn đề đặt ra là khi cùng tham gia vào môi trường số, đâu mới là lằn ranh để định vị người làm báo giữa bạt ngàn những “nhà báo công dân”? Câu trả lời chỉ có thể dựa trên góc độ tiếp cận, hàm lượng văn hóa trong thông tin mà người làm báo muốn chuyển tải. Và điều này được quyết định bởi chính đạo đức nghề nghiệp mà trước hết là lương tâm, trách nhiệm của người làm báo thể hiện trong cách thức khai thác, xử lý thông tin sao cho đem lại hiệu ứng xã hội tích cực, nhân văn nhất.
Ðáng tiếc, thời gian qua, đối diện với nguồn dữ liệu thông tin khổng lồ trên mạng xã hội, một bộ phận người làm báo đã thiếu tỉnh táo, mải chạy theo view, like mà quên đi vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí, quên mất tư cách và trách nhiệm của một người làm báo trên môi trường mạng, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu sự cẩn trọng cần có. Tháng 6 vừa qua, Hội đồng Xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) đã gửi công văn đề nghị các ban biên tập, liên chi hội, chi hội nhà báo trực thuộc kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm trường hợp người làm báo vi phạm các quy định đạo đức nghề nghiệp trên môi trường số. Công văn nêu rõ, trước thực trạng xuất hiện những đối tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip… để đăng tải thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật; một số cơ quan báo chí đã tập trung khai thác thông tin đăng tải một cách thái quá, chưa tỏ rõ thái độ quyết liệt đấu tranh chống lại các hiện tượng tiêu cực, có biểu hiện bị dẫn dắt bởi các trang mạng xã hội; đã có hiện tượng hội viên nhà báo sử dụng trang thông tin cá nhân Facebook đăng tải các nội dung có tính chất cổ súy, kích động dư luận ủng hộ cho các hành vi sai trái… Từ năm 2019 đến nay, Thường trực Hội đồng đã trao đổi, đối thoại, nhắc nhở hơn 300 trường hợp hội viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn xác trên mạng xã hội. Ðáng báo động hơn phải nói tới sự xuất hiện của những “nhà báo hai mặt”. Trên các ấn phẩm báo chí, họ vẫn thực hiện những bài viết đúng thiên chức người làm báo, song trên mạng xã hội, vì nhiều mục đích, họ lại sử dụng vị thế nghề nghiệp để đăng tải thông tin có quan điểm trái ngược hoàn toàn, thậm chí bịa đặt, gây nhiễu loạn hoạt động báo chí, làm suy giảm niềm tin của nhân dân dành cho đội ngũ những người làm báo chân chính.
Rõ ràng, chưa bao giờ báo chí gặp phải nhiều thách thức và hệ lụy từ sự dẫn dắt, điều hướng dư luận của mạng xã hội như hiện nay. Nói về nguyên nhân, tại hội thảo về “Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường kỹ thuật số: Thách thức và thích nghi của Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức mới đây, ông Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam thẳng thắn nhận định: Về chủ quan là do báo chí bị chi phối bởi mặt trái kinh tế thị trường, không ít cơ quan báo chí và một bộ phận người làm báo chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm mọi cách để thu lợi, kể cả việc đơm đặt hoặc làm méo mó bản chất thật của sự việc, tin tức. Về khách quan là do trong quá trình hội nhập và đổi mới, việc tìm giải pháp quản lý chậm hơn so với sự phát triển của thế giới truyền thông rộng lớn…
Ðiều 8 Luật Báo chí năm 2016 đã đưa ra những quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó có “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Ðiều này có nghĩa, đạo đức báo chí không còn đơn thuần là quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi của nhà báo trong tác nghiệp mà đã được luật hóa, đồng nhất với các quy định pháp luật. Cuối năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Cuối năm 2018, Hội công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, với bốn việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm và tám việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội. Mới đây, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Những quy định này đều được xây dựng trên cơ sở thống nhất với báo chí quốc tế và thực tiễn hoạt động báo chí Việt Nam. Ðây có thể xem là la bàn chỉ đường giúp người làm báo Việt Nam giữ vững đạo đức báo chí, bản lĩnh chính trị để không đi chệch hướng, có trách nhiệm hơn trong khai thác, xử lý thông tin hay đơn giản là dừng lại lâu hơn trước khi quyết định bấm một nút like hay share trên mạng xã hội. Theo PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, để các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp đi vào đời sống báo chí, nhất là trong môi trường số, bên cạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội thông qua nhiều hình thức cho đội ngũ người làm báo hiện tại và thế hệ làm báo tương lai, cần đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý kỷ luật nhằm chấn chỉnh những vi phạm đạo đức nghề nghiệp trên không gian số của người làm báo; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân để kịp thời phát hiện những vi phạm trong việc đưa tin không chính xác. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý báo chí cũng cần chủ động đàm phán với Google hay Facebook… để có cơ chế triển khai hiệu quả hơn việc ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin phản động, xấu độc…
Trong môi trường truyền thông số, tác phong, phương thức làm nghề của nhà báo có thể thay đổi, song có một thứ luôn phải giữ vững và tự kiểm duyệt là đạo đức, lý tưởng nghề nghiệp. Ðây cũng chính là đòi hỏi mang tính quyết định để báo chí tiếp tục phát huy chức năng định hướng dư luận xã hội, giữ vững vị trí là nguồn thông tin chủ lưu, chính thống.