BVR&MT – Theo Chủ tịch COP26 bằng cách tận dụng lợi ích có được từ việc chuyển sang nền kinh tế xanh hơn, sạch hơn, Nga có cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo khi thế giới đang nỗ lực đưa mức phát thải ròng về 0.
Ngày 29/6, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) Alok Sharma đã đến thăm Nga để kêu gọi một trong những quốc gia có lượng khí phát thải CO2 cao nhất thế giới này cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông đã hoan nghênh sự ủng hộ của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Sharma đã nhấn mạnh tới sự ủng hộ của Tổng thống Putin trong hợp tác quốc tế về chống biến đổi khí hậu. Ông hy vọng sẽ có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về vấn đề này trong chuyến thăm Moskva.
Quan chức Liên hợp quốc cho rằng Nga là một bên “quan trọng” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo ông, bằng cách tận dụng những lợi ích có được từ việc chuyển sang một nền kinh tế xanh hơn, sạch hơn, Nga có cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo thực sự khi thế giới đang nỗ lực đưa mức phát thải ròng về 0.
Anh, nước đăng cai hội nghị COP26 tại Glasgow từ ngày 31/10 đến ngày 12/11, đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của các cường quốc đối với chương trình hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Anh mong muốn các quốc gia tham vọng hơn nữa nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giới hạn sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức trung bình 1,5 độ C trong thế kỷ này như đã đạt được trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Các nhà khoa học, nhà hoạt động và lãnh đạo thế giới cho rằng hoạt động của con người là nguồn phát thải chính khí CO2 và các khí khác, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nóng lên của Trái Đất theo cách dẫn đến những thay đổi tàn khốc đối với cả khí hậu cũng như cuộc sống như thế giới đã và đang chứng kiến trong những năm gần đây.
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ Trái Đất đã tăng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp mà nguyên nhân là do hoạt động của con người.
Theo Cơ sở Dữ liệu phát thải cho nghiên cứu khí quyển toàn cầu (EDGAR), Trung Quốc là nước phát thải khí CO2 từ nhiên liệu hóa thạch cao nhất thế giới, sau đó đến Mỹ, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) cùng với Anh và Nga.