Các nhà môi trường kêu gọi các quốc gia nỗ lực bảo vệ hành tinh

BVR&MT – Các nhà môi trường cảnh báo nỗ lực toàn cầu cam kết bảo vệ một phần ba đất đai và đại dương trên hành tinh vào năm 2030 sẽ khó có thể đạt được nếu thiếu sự chung tay của các quốc gia giàu đa dạng sinh học ở Đông Nam Á.

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia giàu có G7 trong tháng này đã ủng hộ một liên minh gồm khoảng 60 quốc gia hứa sẽ bảo tồn ít nhất 30% đất đai và đại dương trên phạm vi quốc gia vào năm 2030 (30×30) để hạn chế biến đổi khí hậu và sự mất mát của các loài động, thực vật. Ở khu vực ASEAN, hiện mới có Campuchia đăng ký mục tiêu này.

Brian O’Donnell, Giám đốc Chiến dịch vì Thiên nhiên kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ cam kết và nhấn mạnh tầm quan trọng của các quốc gia ASEAN.

Ông cho biết các quốc gia Đông Nam Á tuy chỉ bao phủ 3% bề mặt trái đất nhưng lại là nơi sinh sống của một số quốc gia siêu đa dạng sinh học trên thế giới. Đất liền và đại dương của Đông Nam Á chứa tới 35% rừng ngập mặn và 30% rạn san hô với hơn 2.000 loài động thực vật được phát hiện trong hai thập kỷ qua. Khu vực này cũng là nơi sinh sống của khoảng 18% các loài có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.

Tuy giàu có về đa dạng sinh học nhưng một số nước ASEAN đang có tỷ lệ mất rừng cao, trong đó Indonesia, Malaysia, Lào và Campuchia nằm trong số các nước mất rừng nguyên sinh hàng đầu, theo dịch vụ giám sát Global Forest Watch.

Theo các quan chức tại Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học ( CBD), mục tiêu 30×30 sẽ được đưa vào dự thảo của một hiệp ước toàn cầu mới nhằm bảo vệ các loài thực vật, động vật và hệ sinh thái trên hành tinh – dự kiến được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 ở Trung Quốc. Một phần quan trọng của cam kết sẽ nhấn mạnh việc tôn trọng quyền của các nhóm và cộng đồng bản địa sống trong các khu bảo tồn.

Thách thức lớn nhất hiện nay là phần lớn khu vực Đông Nam Á đang phải chiến đấu để ngăn chặn sự gia tăng mạnh số ca nhiễm virus corona. Cuộc khủng hoảng này trở thành một ưu tiên cao hơn mục tiêu bảo tồn thiên nhiên dù việc duy trì các hệ sinh thái nguyên vẹn có thể giúp ngăn chặn các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong tương lai.

Chi Mai (Lược dịch từ Reuters)