BVR&MT – Trong giai đoạn 2015-2019, ước tính 166 triệu người, chủ yếu tại châu Phi và Trung Mỹ, cần được viện trợ nhân đạo do tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp liên quan tới tác động của biến đổi khí hậu.
Dự thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) về tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu tới đời sống nhân loại đã cho thấy những con số đáng báo động.
Xét về lương thực và nguồn nước, báo cáo chỉ ra rằng biến đổi khí hậu làm sụt giảm năng suất các vụ mùa lớn toàn cầu, và tình trạng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong suốt thế kỷ XXI, gia tăng sức ép lên các quốc gia đông dân.
Trong giai đoạn 2015-2019, ước tính 166 triệu người, chủ yếu tại châu Phi và Trung Mỹ, cần được viện trợ nhân đạo do tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp liên quan tới tác động của biến đổi khí hậu.
Lượng khí thải CO2 gia tăng cũng làm sụt giảm chất lượng các vụ mùa, làm suy giảm các khoáng chất và chất dinh dưỡng cần thiết trong các thực phẩm chính.
Bên cạnh đó, dự báo tiềm năng đánh bắt tại các ngư trường – vốn là nơi cung cấp nguồn protein chính cho hàng triệu người – sẽ sụt giảm từ 40-70% tại các khu vực nhiệt đới của châu Phi nếu lượng khí thải tiếp tục tăng.
Báo cáo cho rằng việc giảm một nửa lượng thịt đỏ tiêu thụ và tăng gấp đôi lượng hấp thụ các loạt hạt, hoa quả và rau xanh có thể giảm tối đa 70% lượng khí thải liên quan tới thực phẩm vào giữa thế kỷ này và góp phần cứu mạng 11 triệu người vào năm 2030.
Do các hiện tượng thời tiết cực đoan, sức lao động của con người sẽ giảm, theo đó số ngày làm việc trong năm của phần lớn người dân tại Nam Á, khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara và nhiều vùng ở khu vực Trung và Nam Mỹ sẽ giảm 250 ngày vào năm 2100.
Bên cạnh đó, sẽ có thêm 1,7 tỷ người phải tiếp xúc với nắng nóng, thêm 420 triệu người khó tránh khỏi các đợt nóng gay gắt nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C.
Chưa dừng tại đó, vào năm 2080, hàng trăm triệu cư dân thành thị ở khu vực châu Phi cận Sahara, Nam và Đông Nam Á được dự báo có thể phải chống đỡ với hơn 30 ngày nắng nóng chết người mỗi năm.
Ngoài ra, lũ lụt được dự báo có thể khiến mỗi năm có trung bình 2,7 triệu người châu Phi phải đi di tản.
Nếu không giảm lượng khí thải, hơn 85 triệu người ở châu Phi cận sa mạc Sahara vào năm 2050 sẽ mất nhà cửa do tác động của biến đổi khí hậu.
Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,5 độ C, số lượng người bị ảnh hưởng do lũ lụt tại Colombia, Brazil và Argentina sẽ tăng cao gấp 2-3 lần, tại Ecuador và Uruguay tăng gấp 4 lần và tại Peru sẽ tăng gấp 5 lần.
Trong khi đó, tại châu Á, dự báo số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì các tác động của biến đổi khí hậu sẽ tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2020-2050.
Báo cáo cũng dự báo khoảng 170 triệu người sẽ chịu tác động từ tình trạng khô hạn khắc nghiệt trong thế kỷ này nếu Trái Đất nóng thêm 3 độ C.
Cũng với mức tăng nhiệt này, số lượng người có nguy cơ tử vong cao tại châu Âu sẽ tăng gấp 3 lần.