BVR&MT – Trong 2 vụ sản xuất Đông xuân và hè thu năm 2021, huyện Phù Cát (Bình Định) sản xuất 58 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết sản xuất cây lúa, đậu phụng xen mì với diện tích 3.016 ha, tăng 09 cánh đồng và tăng 380 ha so kế hoạch. Trong đó, 09 cánh đồng liên kết sản xuất lúa với diện tích 297,2 ha, 49 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 2.718,8 ha sản xuất lúa, đậu phụng xen mì. Kết quả rất khả quan, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng
Thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết đã nhận được sự đồng thuận của các cấp chính quyền và bà con nông dân. Đây cũng là phương thức sản xuất mới, góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ của người nông dân để chuyển sang áp dụng các tiến bộ kỷ thuật, biện pháp canh tác mới. Người nông dân được hướng dẫn cụ thể từ khâu xuống giống, bón phân cân đối, chăm sóc và phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, 3 giảm- 3 tăng trên ruộng lúa; cho đến việc hạn chế tối đa thất thoát sau thu hoạch. Nông dân được tổ chức liên kết theo phương thức hợp tác, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất, hạn chế rủi ro, giảm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Điều quan trọng mà đa số nông dân hài lòng nhất chính là tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của những người có đất đai chung trong cánh đồng. Qua đó, mọi người ngày càng có sự gắn kết thân thiết với nhau hơn; tránh những mâu thuẫn không đáng có do sự tính toán lợi ích cục bộ về mương dẫn nước, bờ vùng, bờ thửa…Tình làng nghĩa xóm ngày càng được củng cố nhờ sự tương trợ nhau trong sản xuất CĐML.
Bà Nguyễn Thị Nhung- ở thôn Hưng Mỹ 2- xã Cát Hưng, huyện Phù Cát tham gia mô hình CĐML với diện tích 2 sào; sạ bằng giống lúa VD8. Được sự hướng dẫn kỷ thuật thâm canh của cán bộ khuyến nông xã. Bà Nhung đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình kỷ thuật nên lúa phát triển tốt. Bà rất mừng: “ Sản xuất theo mô hình này, tôi thấy dễ làm mà tiết kiệm được chi phí về giống, phân, hạn chế phun thuốc trừ sâu, đạt một sào cũng 350-400 kg. Trong các vụ tới, yêu cầu địa phương cho sản xuất rộng rãi, để nông dân áp dụng làm theo, đạt sản lượng cao”.
Việc sử dụng “3 cùng” (cùng giống, cùng đồng, cùng thời gian); nên việc điều tiết nước và chăm sóc được thuận lợi hơn nhiều so với trước, lúa chín tập trung nên có thể ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, làm giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả. Các khâu kỹ thuật được bà con áp dụng đúng quy trình 3 giảm- 3 tăng, nên lúa sinh trưởng đồng đều, sâu bệnh được khống chế. Nhờ đó hiệu quả kinh tế trong việc sản xuất CĐML, cánh đồng liên kết tăng 14-20%; giảm 20-25% lượng giống, giảm 15- 20% phân đạm, giảm 25% lượng nước tưới; mà năng suất cao hơn ruộng ngoài mô hình đối với cây lúa tăng từ 6-9 tạ/ha, cây mỳ từ 1-1,5 tấn/ha, đậu phụng tăng 03 đến 04 tạ/ha, bắp lai tăng từ 5tạ- 7 tạ/ha.
Các mô hình trình diễn được tổ chức theo mùa vụ tại từng địa phương, đã cho những kết quả hết sức thuyết phục; nhờ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách cân đối và hợp lý mà vẫn đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng như năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiệu quả kinh tế cuối cùng trên cùng một đơn vị diện tích cũng cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống. Mô hình còn góp phần giảm công lao động, giảm áp lực nhân công mỗi khi vào vụ sản xuất và thu hoạch lúa, từng bước hiện thực hóa sự liên kết 4 nhà; CĐML bón phân hợp lý, giảm phân đạm gây ô nhiễm môi trường và tồn dư trong nông sản, ít sâu, nên giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. CĐML còn sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh nên giúp cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu lâu dài của CĐML, cánh đồng liên kết là từng bước hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, với sản lượng lớn và gắn kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm. Hiệu quả rõ rệt nhất của mô hình này là giúp người nông dân tiếp cận và áp dụng được tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển từ thói quen canh tác theo kiểu truyền thống sang sản xuất theo quy trình khoa học, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Qua đánh giá kết quả chung cho thấy mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết đã đạt các mục tiêu là năng suất tăng hơn, chi phí giảm hơn và hiệu quả kinh tế đem lại cho bà con nông dân khá hơn, đặc biệt chú trọng sử dụng các loại phân hữu cơ chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học, góp phần giảm được chi phí và tổ chức sản xuất bền vững.
Khó khăn cần tháo gỡ
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mô hình CĐML, cánh đồng liên kết cũng gặp những khó khăn, nhất là đầu ra sản phẩm còn thiếu ổn định, giá cả còn bấp bênh, thương lái ép giá…Quy mô và hiệu quả của mô hình này vẫn còn chưa tương xứng so với mục tiêu đề ra. Vì hầu hết ruộng đồng trên địa bàn huyện đều nhỏ, nông dân canh tác theo kiểu manh mún, tự phát; thửa ruộng lớn nhất cũng chỉ có 3 sào (1.500m2), nhỏ nhất 1 sào ( 500m2); điều này gây khó khăn trong việc sản xuất đồng loạt, tập trung, cũng như áp dụng cơ giới hóa vào canh tác. Đặc biệt, mối liên kết giữa 4 nhà còn thiếu bền vững, chưa đồng bộ; vai trò của doanh nghiệp trong việc gắn nông dân với thị trường, cung cấp đầu vào, tiêu thụ đầu ra đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu. Chưa có doanh nghiệp nào đủ mạnh để có thể ký kết hợp đồng ràng buộc trách nhiệm thu mua sản phẩm cho người nông dân; còn thu mua qua thương lái.
Hơn nữa, nông dân tham gia mô hình chưa nhận được nhiều hỗ trợ đáng kể về vốn, phân bón, cây giống, khoa học kỹ thuật và thị trường từ Nhà nước, nhà khoa học và Doanh nghiệp. Trong khi đó, việc thực hiện CĐML, cánh đồng liên kết cũng gặp khó khăn về điều kiện tự nhiện như địa hình không bằng phẳng, khó dồn điền đổi thửa; chưa hết, vụ đông xuân thường gặp thời tiết lạnh, nhiều sâu bệnh nên nông dân phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, vụ hè thu thì bị khô hạn, làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Trước mắt, huyện Phù Cát quy hoạch theo từng vùng, trồng loại cây gì, diện tích bao nhiêu? theo hướng chuyển đổi cây trồng tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế; tránh tình trạng sản xuất tràn lan dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá- được giá mất mùa”, gây thất thu cho nông dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân, bằng cách cầm tay chỉ việc; từ lý thuyết đến thực tế trên đồng ruộng, chứ không chỉ dừng lại ở việc triển khai tập huấn tại hội trường, mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Nhà nước chỉ đạo cho các Doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ cho nông dân từ vật tư nông nghiệp như: giống, phân, thuốc BVTV và thu mua hết sản phẩm làm ra của nông dân theo giá thỏa thuận giữa 2 nhà ( nhà nông- nhà doanh nghiệp), không để nông dân bị thiệt…
Để thực hiện cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Văn Lê- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát cho biết: “Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Phù Cát phối hợp với các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến nông sản; kết hợp với các HTX nông nghiệp tham gia và hỗ trợ cho người nông dân tham gia các mô hình. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ kinh phí và chọn vùng quy hoạch hình thành CĐML, CĐLK; dặc biêt là cánh đồng lớn gắn với liên kết chuỗi và tiêu thụ sản phẩn cho nông dân một cách hợp lý với diện tích lớn tập trung; nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân”.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng không thể phủ nhận mô hình CĐML cánh đồng liên kết đã và đang góp phần đắc lực vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện đời sống của nông dân Mô hình này, rất cần được nhân rộng để tăng thêm động lực thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thế Hà