BVR&MT – Sản xuất phát triển, đời sống vật chất được nâng lên, con người lại càng quan tâm tới vấn đề an toàn, chất lượng môi trường sống mà nông nghiệp là một trong những lĩnh vực tạo ra sản phẩm trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Sản xuất sạch ngày nay đã trở thành xu thế của ngành nông nghiệp trên toàn thế giới.
Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường đối lập với mô hình sản xuất truyền thống với lối canh tác tự phát, lạm dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp, từ đó làm xói mòn các nguồn đất, nguồn nước, gây mất cân bằng sinh thái tự nhiên, tạo ra những sản phẩm không an toàn cho chính người sản xuất và người tiêu dùng,…mặt khác trong giai đoạn hiện nay đất nước ta đang chuyển đổi dần mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thì sản xuất sạch hơn là giải pháp để nông nghiệp có thể phát triển một cách bền vững giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị của hàng hóa nông sản, cải thiện thu nhập cho nông dân từng bước nâng cao đời sống người dân.
Quá trình tái cơ cấu tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh Quảng Trị hiện nay gắn liền với công cuộc xây dựng nông thôn mới với nội dung tập trung lại sản xuất đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết sản xuất, chế biến bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay nếu không áp dụng sản xuất sạch hơn, nông sản của Quảng Trị không thể xuất khẩu và đứng vững ở các thị trường quốc tế, nhất là những thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,…khi không đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng, cũng như nguồn gốc xuất xứ,…
Nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất sạch gắn với thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thời gian qua, nông nghiệp Quảng Trị đã có bước phát triển theo hướng chuyển dần từ nền nông nghiệp số lượng sang chất lượng và giá trị. Tốc độ tăng giá trị nông- lâm- ngư nghiệp bình quân hằng năm luôn đạt khá, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng. Qua đó đã tạo việc làm và ổn định đời sống cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thêm nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, từng bước nâng tầm các loại nông sản chủ lực của tỉnh, hướng tới mục tiêu mở rộng địa bàn tiêu thụ và tham gia xuất khẩu.
Để nâng cao chất lượng nông sản, hướng tới sản xuất sạch, ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh tập trung gắn với chế biến như cao su, cà phê, hồ tiêu, lúa, cây ăn quả, cây rau màu các loại… Nhiều sản phẩm chủ lực được liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tạo thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản Quảng Trị. Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ áp dụng ngày càng nhiều. Chú trọng xây dựng thương hiệu cho một số nông sản. Điển hình như xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ năm 2016 – 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 5.500 ha mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) trên các loại cây trồng chủ yếu như lúa, ngô, lạc, đậu xanh, rau, hồ tiêu. Năng suất lúa đạt bình quân 58 – 62 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất truyền thống 6 – 10 triệu đồng/ha. Đối với cây lạc, năng suất bình quân đạt 26,2 tạ/ha, cao hơn năng suất đại trà 5,8 tạ/ha, lợi nhuận kinh tế ở ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà 8 – 9 triệu đồng/ha. Hay mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất cũng đem lại những kết quả tích cực. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 19 nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; có 20 cơ sở, sản xuất rau củ quả được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm; 16,05 ha được chứng nhận VietGAP bao gồm các sản phẩm như rau, thanh long, nhãn, vải; 103,04 ha được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Đến năm 2020, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh đã được cấp chứng nhận, nhãn hiệu như chỉ dẫn địa lý cho hồ tiêu Quảng Trị; nhãn hiệu tập thể đối với cam K4 Hải Phú, cà phê Khe Sanh, gạo sạch Hải Lăng, ném Vĩnh Linh, ném Hải Lăng, khoai môn Vĩnh Linh, chuối Hướng Hóa, rau Đông Hà, dưa hấu Gio Linh; chứng nhận hữu cơ với tiêu Vĩnh Linh, tiêu Gio An (Gio Linh), gạo Triệu Phong; sản phẩm được chứng nhận OCOP với gạo sạch Triệu phong, hạt tiêu Cùa, cà gai leo An Xuân…
Tuy nhiên việc sản xuất sạch hơn tại huyện còn tồn tại một số hạn chế nhất định đó là: các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, kém hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm thấp chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa,…
Vì thế, để đẩy nhanh quá trình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hàng hóa phát triển bền vững ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục tuyên truyền thường xuyên giúp người dân nâng cao nhận thức về những lợi ích của việc sản xuất sạch hơn, an toàn, ý thức, trách nhiệm của mình vì lợi ích chung của tập thể, của địa phương. Đồng thời chú trọng chú trọng đến công tác đào tạo chất lượng lao động nông nghiệp. Nông nghiệp thời hội nhập cần phải có những người nông dân mới, do đó nhất thiết phải đầu tư phát triển nhân lực trong nông nghiệp để nông dân của các địa phương trong tỉnh thực sự là những người lao động nông nghiệp chuyên nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo tư duy công nghiệp. Lãnh đạo các các địa phương cần có kế hoạch và chương trình hành động thiết thực để đổi mới về chất lượng lao động nông thôn, nhất là trong trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng.
UBND tỉnh phối hợp với các hợp tác xã (HTX) không chỉ tổ chức và hướng dẫn người dân thực hành lối canh tác nông nghiệp sạch hơn mà hướng dẫn người dân tới nền nông nghiệp hữu cơ, tiếp cận với những phương pháp canh tác hiện đại.Trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay để những nông sản có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước, xa hơn là vươn tới thị trường quốc tế thì trước hết cần định hướng sản xuất nông nghiệp tiệm cận dần với tiêu chuẩn VietGAP và xa hơn là AseanGAP, GlobalGAP,…
Thực hiện liên kết chặt chẽ 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước,nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà “băng” và nhà phân phối. Phát huy vai trò nòng cốt của các hợp tác xã trong điều hành sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, dần hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa bền vững từ đầu vào đến đầu ra.
Chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu nông sản, nhận diện thương hiệu của địa phương như: cam K4 Hải Phú, cà phê Khe Sanh, gạo sạch Hải Lăng, ném Vĩnh Linh, ném Hải Lăng, khoai môn Vĩnh Linh, chuối Hướng Hóa, rau Đông Hà, dưa hấu Gio Linh; chứng nhận hữu cơ với tiêu Vĩnh Linh, tiêu Gio An (Gio Linh), gạo Triệu Phong; sản phẩm được chứng nhận OCOP với gạo sạch Triệu phong, hạt tiêu Cùa, cà gai leo An Xuân……góp phần nâng cao uy tín và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp địa phương, chỉ đạo đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất, dần xóa bỏ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo điều kiện phát triển những vùng sản xuất chuyên canh lớn có giá trị gia tăng cao. Xây dựng thêm những mô hình sản xuất hiệu quả và nhân rộng điển hình này.
Nâng cao năng lực ứng phó và quản lý rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, dịch bệnh và tăng cường quản lý môi trường. Tăng cường đầu tư công vào các công trình phòng, chống thiên tai, giảm tác động bất lợi về môi trường, dự báo, giám sát và phòng ngừa dịch bệnh; tăng cường quản lý chất thải nông nghiệp, áp dụng các biện pháp giảm khí thải nhà kính. Cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm và gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn nông nghiệp. Thay đổi phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp với các vùng đất chịu tác động của biến đổi về khí hậu. Xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển để có thể giải quyết được những thách thức mới nảy sinh của quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và sự bùng phát của các loại dịch bệnh cũ và mới. Cần đặc biệt quan tâm tới quản lý môi trường thông qua kiểm soát chặt chẽ các chỉ số môi trường.
Tóm lại, ngành nông nghiệp của Tỉnh Quảng Trị đang chuyển mình trong giai đoạn đất nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường thế giới. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn là xu thế lựa chọn của người tiêu dùng. Sẽ còn nhiều những khó khăn để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân, tin rằng Quảng Trị sẽ thực hiện thành công những mục tiêu, kế hoạch về nông nghiệp mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Trần Văn Toàn (Quảng Trị)