BVR&MT – Ðến cuối năm 2020, cả nước có 88 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDÐL), trong đó chủ yếu là nông sản. CDÐL là chứng nhận của Nhà nước dành cho các sản phẩm có danh tiếng, chất lượng do điều kiện địa lý đặc thù ở khu vực, địa phương mang lại, bởi vậy, những người được sử dụng CDÐL có trách nhiệm bảo vệ, phát triển thương hiệu chung này.
Thời gian qua, Nhà nước đã có các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển CDÐL; một số doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường để ngày càng có nhiều người biết đến giá trị của các sản phẩm được bảo hộ.
Nâng cao chất lượng sản phẩm được bảo hộ
Trong chuyến công tác tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La mới đây, chúng tôi được Hợp tác xã (HTX) cà-phê Bích Thao (xã Hua La, TP Sơn La) giới thiệu 2 sản phẩm mới của HTX được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, đã sản xuất thử nghiệm thành công và bắt đầu xuất khẩu sang Ðức. Ðó là sản phẩm cà-phê mật ong (cà-phê honey) và trà làm từ vỏ quả cà-phê. Từ khi được cấp CDÐL năm 2017, cà-phê Sơn La được nhiều người biết đến, thương lái đổ về mua, và hiện 90% sản lượng được xuất khẩu dưới dạng cà-phê nhân. Gần đây, một số doanh nghiệp được sử dụng CDÐL cà-phê Sơn La đã tìm hướng đi mới để CDÐL luôn gắn liền với những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, như các sản phẩm của HTX cà-phê Bích Thao nêu trên. Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà-phê Bích Thao chia sẻ, HTX đang chuyển hướng đầu tư vào các sản phẩm cà-phê đặc sản, đáp ứng sự ưa chuộng của thế giới. 2 sản phẩm mới cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm cà-phê nhân truyền thống, và HTX đã đầu tư nhiều tỷ đồng, từ việc thuê chuyên gia nước ngoài sang chuyển giao quy trình công nghệ, xây dựng nhà xưởng chế biến, đến liên kết, tập huấn cho người dân quy trình trồng, thu hái… Chỉ riêng quy trình thu hái để làm hai sản phẩm nêu trên đã rất kỳ công: Chỉ hái những quả chín trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 giờ sáng, hoặc 15 đến 17 giờ chiều nhằm giữ đường tự nhiên trong vỏ quả cà-phê. Cà-phê được rửa sạch, hong khô chế biến ngay trong ngày với công đoạn quan trọng nhất là ủ lên men trong 12 đến 14 giờ, đường và hương thơm của cà-phê chín ngấm dần vào hạt, hạt ngả vàng mầu mật ong, còn vỏ được tách để làm trà.
Không chỉ làm mới sản phẩm, các doanh nghiệp sử dụng CDÐL cà-phê Sơn La đã đồng hành cùng các chương trình, dự án nghiên cứu để cây cà-phê ngày càng tăng năng suất. Thí dụ, Công ty Xuất, nhập khẩu cà-phê Minh Tiến đã hợp tác với các nhà khoa học phát triển mô hình thí điểm 60 ha cà-phê chất lượng cao tại các xã Chiềng Mung, Chiềng Ban (huyện Mai Sơn), Hua La (TP Sơn La) và đang hợp tác để triển khai xây dựng nhà máy chế biến vỏ quả cà-phê làm phân bón hữu cơ tại Chiềng Mung, với mong muốn người dân trồng cà-phê sạch, hạn chế bón phân hóa học. HTX cà-phê Bích Thao phối hợp Viện Khoa học kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên trồng thử nghiệm cà-phê chè giống mới (THA1) cho năng suất tăng từ 10 đến 15%.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), sự phát triển của thị trường nông sản Việt Nam thời gian qua đã cho thấy vị trí, vai trò và tiềm năng rất lớn của các sản phẩm nông nghiệp gắn với thương hiệu cộng đồng như CDÐL. Một số CDÐL phát triển tốt, sản phẩm sau khi được bảo hộ đều có xu hướng tăng giá bán như: cam Cao Phong tăng gần gấp hai lần, chuối ngự Ðại Hoàng tăng 100 đến 130%, bưởi Phúc Trạch tăng 10 đến 15%, bưởi Luận Văn tăng 3,5 lần… Nhiều sản phẩm xuất khẩu có gắn CDÐL như: cà- phê Sơn La, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn… Có được kết quả đó một phần là nhờ địa phương, doanh nghiệp đã tạo được sự khác biệt về chất lượng và mở rộng thị trường bằng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm mang CDÐL. Thí dụ, Công ty TNHH Tân Thanh Phong (Hà Tĩnh) đã đầu tư phát triển cây giống bưởi Phúc Trạch, liên kết với các hộ dân trong vùng CDÐL bưởi Phúc Trạch, chuyển giao kỹ thuật trồng để sản phẩm có chất lượng đồng đều. Công ty cũng đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ để có bưởi sạch và ngon hơn. Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam đã xây dựng vùng trồng hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế ở các huyện Văn Quan, Tràng Ðịnh (Lạng Sơn), với giá trị kinh tế tăng 150 đến 200% so với sản phẩm thông thường. Lãnh đạo công ty cho biết, cùng với trồng hồi theo tiêu chuẩn quốc tế, đơn vị đầu tư vào công nghệ chế biến, hệ thống quản lý kiểm soát chất lượng và tập huấn cho người nông dân trồng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ðến nay, sản phẩm của đơn vị xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của các thị trường cao cấp như: Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…
Cần xây dựng tiêu chuẩn cho vùng nhận diện
Tuy nhiên, hiện nay việc nâng cao chất lượng sản phẩm mang CDÐL chủ yếu do tự thân doanh nghiệp, thiếu sự kiểm soát hiệu quả của cơ quan chức năng, do đó, có tình trạng chất lượng không đồng đều trong vùng CDÐL, ảnh hưởng đến danh tiếng sản phẩm. Qua làm việc với một số đơn vị quản lý và sử dụng CDÐL tại địa phương, chúng tôi ghi nhận những lo ngại về việc chưa có cơ chế hậu kiểm việc sử dụng CDÐL để bảo đảm đúng các tiêu chuẩn đã được công bố trong Giấy chứng nhận CDÐL. Ông Nguyễn Vinh Ðức, Phó Giám đốc Công ty Xuất, nhập khẩu cà-phê Minh Tiến (Sơn La) cho biết, danh tiếng cà-phê Sơn La có nguy cơ bị ảnh hưởng do tình trạng thu hái lẫn nhiều quả xanh non, 70% sản lượng cà-phê trên địa bàn chế biến thủ công khiến chất lượng sản phẩm không bảo đảm. Ðáng lo ngại là chất lượng cà-phê tốt hay kém đều bán được, cho nên người dân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, quên đi việc bảo vệ lâu dài thương hiệu cộng đồng. Xây dựng CDÐL đã khó, nhưng giữ được còn khó hơn rất nhiều, nếu chỉ có một vài doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm thì cũng không thể phát triển được CDÐL. Ðể phát triển hiệu quả CDÐL này, các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La cần xây dựng Bộ tiêu chí làm cơ sở hằng năm đánh giá, kiểm soát các đơn vị sử dụng CDÐL có tuân thủ theo CDÐL hay không, và nhằm thể hiện rõ vai trò của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người trồng cà-phê, người thu mua chế biến cà-phê, tránh tình trạng nhập nhèm về chất lượng như hiện nay.
Tương tự, ông Hà Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thanh Phong cho biết, tại vùng CDÐL bưởi Phúc Trạch huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), người dân chưa có ý thức xây dựng sản phẩm đã được bảo hộ. Người trồng không tuân thủ quy trình trồng, bón phân sai khiến quả bưởi Phúc Trạch vốn có vị ngọt thanh xen lẫn chua nhẹ trở nên chua và the; người dân đưa cây bưởi ra trồng ở những vùng xung yếu, lũ lụt hằng năm nhằm tận dụng đất phù sa, nhưng rủi ro lại rất cao khi năm nào cũng bán bưởi non chạy lũ, dần dần mất niềm tin với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, còn có tình trạng dán tem CDÐL lên sản phẩm cốt để thu hút khách hàng, mà không quan tâm tới chất lượng sản phẩm. Tất cả những biểu hiện đó đều làm ảnh hưởng tới thương hiệu cộng đồng, nếu không sớm chấn chỉnh sẽ làm mai một CDÐL. Tại Lạng Sơn, việc kiểm soát chất lượng hồi cũng là vấn đề khó khăn cho cơ quan quản lý. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn, hoa hồi Lạng Sơn trong vùng CDÐL có chất lượng không đồng đều do khác nhau về công nghệ chế biến. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đề nghị, cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt các đơn vị sử dụng CDÐL, như kiểm soát cả lô hàng, kiểm tra theo các tiêu chuẩn, nếu không đạt thì không được sử dụng CDÐL trên sản phẩm nhằm bảo đảm công bằng đối với những sản phẩm đạt chất lượng.
Trước thực trạng chất lượng sản phẩm chưa tương xứng với danh tiếng của CDÐL, nhiều nhà quản lý cho rằng nếu không sớm có giải pháp thì sẽ dần mất đi giá trị của CDÐL. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, Ðỗ Khoa Văn cho rằng, CDÐL chỉ là chứng nhận cho sản phẩm có danh tiếng, chất lượng do điều kiện địa lý đặc thù ở khu vực, địa phương đó. Còn để phát triển CDÐL, bắt buộc phải xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm, phù hợp thị trường hướng đến. Phần lớn các địa phương lâu nay mới chỉ xác lập CDÐL và thực hiện truy xuất nguồn gốc chứ chưa xây dựng được tiêu chuẩn sản phẩm trong vùng CDÐL. Chỉ có xây dựng tiêu chuẩn cho vùng nhận diện thì mới cho chất lượng sản phẩm đồng đều. Bởi vậy, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh vừa qua đã tham mưu xây dựng tiêu chuẩn cho các sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh. Ðại diện Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La cũng cho rằng, để phát triển CDÐL thì hội quản lý CDÐL phải đủ mạnh, có quyền kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm của các tổ chức, cá nhân sử dụng CDÐL. Thí dụ, Hiệp hội Cà-phê Sơn La có chức năng kiểm soát đầu ra, đầu vào của các tổ chức, cá nhân sử dụng CDÐL, nếu có vấn đề gì về chất lượng thì Hiệp hội phối hợp cơ quan quản lý nhà nước để xử lý, nhưng trên thực tế Hiệp hội lực lượng yếu, hoạt động tự nguyện, không có kinh phí đầu tư của Nhà nước, cho nên việc kiểm soát chất lượng chưa làm được. CDÐL là tài sản của quốc gia, muốn phát triển cần tổ chức quản lý thống nhất toàn quốc, tránh tình trạng mỗi tỉnh quản một kiểu như hiện nay, trong đó, việc thành lập hội quản lý CDÐL cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để kiểm soát chất lượng tốt hơn.
Nguyên Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) Lưu Ðức Thanh cho biết, mô hình kiểm soát về CDÐL chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, mà do các địa phương áp dụng dựa trên kinh nghiệm của các nước, khi triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập. Các quy định về kiểm soát chung chung, chỉ thể hiện quyền hạn trách nhiệm của các cơ quan, mà không nêu rõ được kiểm soát cái gì, ai kiểm soát và kiểm soát như thế nào. Hiện, 100% các đơn vị, tổ chức kiểm soát CDÐL là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, chứng nhận về chuyên môn, kỹ thuật về kiểm soát CDÐL. Do đó, các cơ quan được giao trách nhiệm không thể triển khai các hoạt động kiểm soát. Trong khi đó, không ít CDÐL chưa được khai thác hiệu quả, có tình trạng chất lượng sản phẩm mang CDÐL không đồng đều. Trước thực trạng hiện nay, cần có sự rà soát và có các giải pháp để bảo đảm chất lượng sản phẩm, tận dụng các lợi thế mà CDÐL mang lại. Theo kinh nghiệm quản lý CDÐL ở châu Âu thì hội, hiệp hội là tổ chức quản lý hiệu quả CDÐL, do đó, ở Việt Nam cần nghiên cứu, quy định rõ vai trò, chức năng của hội, hiệp hội để góp phần phát triển CDÐL.
Như vậy, có thể thấy, những bất cập hiện nay có một phần nguyên nhân từ cơ chế chính sách chưa phù hợp, cần có các chính sách thúc đẩy và đổi mới trong phương thức quản lý CDÐL. Ðể phát huy hết giá trị tiềm năng của CDÐL, các tổ chức quản lý CDÐL cần hỗ trợ cộng đồng cư dân, các nhà sản xuất thành lập các tổ chức tập thể để quản lý CDÐL hoặc nâng cao năng lực của các tổ chức tập thể để thực hiện vai trò của mình, nhất là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mang CDÐL. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhằm kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu của CDÐL.