BVR&MT – Bắt đầu từ tháng 5, và đến tháng 6, 7 là giai đoạn cao điểm thường xảy ra cháy rừng. Do vậy, ngay từ lúc này, các giải pháp phòng, chống cháy tại các địa phương trọng điểm cần được nhanh chóng “kích hoạt”, đặc biệt trong việc nâng cao ý thức của người dân sống gần rừng, ven rừng khi sử dụng lửa, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Ngày 11/5 vừa qua, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ban hành công điện về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Công điện nêu rõ dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và Cục Kiểm lâm: Nắng nóng sẽ kéo dài trong những ngày tới, trong tháng 5 và tháng 6 có thể xảy ra từ 4 đến 5 đợt nắng nóng, trung bình nhiệt độ phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi nhiệt độ lên đến 40 độ C. Tình trạng nắng nóng, khô hanh kéo dài dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn.
Trong khi đó, tại nước ta, đây cũng là thời điểm thường xuyên ghi nhận các vụ cháy rừng với quy mô lớn xảy ra tại khu vực các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Đây là các tỉnh trọng điểm thường xảy ra cháy rừng vào mùa nắng nóng. Do thời tiết nóng nực, khô hanh, kèm theo hoạt động của gió mùa thổi mạnh, chỉ cần ngọn lửa xuất hiện, nếu không được kiểm soát sẽ bùng phát lên rất nhanh và dữ dội, khiến đám cháy lây lan ra diện tích rộng, gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng tham gia công tác chữa cháy.
Chắc hẳn chúng ta vẫn còn chưa quên những vụ việc cháy rừng lớn trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2020 vừa qua, tại tỉnh Nghệ An, ngọn lửa bắt đầu được phát hiện từ lúc 15 giờ 30 phút ngày 26/6 tại khu rừng ở Rú Bạc, xã Sơn Thành (huyện Yên Thành). Đến 18 giờ chiều cùng ngày, đám cháy đã cơ bản được dập tắt. Tuy nhiên, do còn tro than, gió Tây Nam thổi mạnh nên đến rạng sáng 27/6, ngọn lửa bất ngờ bùng phát trở lại và cháy lan sang khu rừng xã Diễn Lợi (huyện Diễn Châu). Đến chiều tối ngày 27/6, đám cháy còn lan sang cả xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu. Tỉnh Nghệ An đã huy động hàng nghìn cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang, cùng các lựng lượng tại chỗ của huyện Diễn Châu đã nỗ lực khống chế đám cháy, làm đường băng cản lửa, hạn chế ngọn lửa cháy lây lan sang các vùng rừng địa phương khác.
Do trời nắng nóng hơn 40 độ C, kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh nên công tác chữa cháy rừng ở Diễn Châu gặp nhiều khó khăn và mãi đến sáng 28/6, mới cơ bản khống chế được các đám cháy. Ước diện tích rừng bị thiêu rụi tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu và xã Thọ Thành, huyện Yên Thành lên đến hàng chục ha, bao gồm thông và keo.
Trước đó, năm 2019, cũng vào thời điểm tương tự, vụ cháy rừng rất lớn xảy ra tại huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Vào khoảng 13h chiều 28/6, tại khu vực rừng thông tiểu khu 92A thôn 7, xã Xuân Hồng, xảy ra một vụ cháy rừng lớn. Đám cháy bùng phát dữ dội, uy hiếp nhiều nhà dân. Sau hơn 8 tiếng nỗ lực dập lửa không thành, đến 21 giờ 30 phút ngày 28/6, đám cháy tiếp tục lan rộng và áp sát nhà các hộ dân ở tổ dân phố 1, thị trấn Xuân An. Vụ cháy xảy ra trên diện tích rộng đã tạo nên những “vệt lửa” đỏ rực trời nhìn từ trên cao. Theo tính toán cuối cùng của các cơ quan chức năng, vụ cháy đã gây thiệt hại 92,4ha diện tích, trong đó, diện tích có rừng là 67,1ha. Đây là khu rừng phòng hộ gồm 35.177 cây thông và 620 cây bạch đàn. Vụ cháy đã gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.
Phân tích về những nguyên nhân cháy rừng lâu nay cho thấy, ngoài những khó khăn thấy rõ do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, đường sá đi lại hiểm trở dẫn đến khó khăn trong công tác phòng cháy rừng, song trên thực tế, ý thức và trách nhiệm của một số người dân sống gần rừng và ven rừng chưa cao, còn bất cẩn trong việc sử dụng lửa thông qua việc đốt thực bì, xử lý rác thải… dẫn đến bùng phát cháy rừng.
Vụ việc cháy rừng tại Hà Tĩnh nêu trên cũng do Phan Đình Thành (46 tuổi, trú tại xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) đốt lửa để xử lý rác. Tuy nhiên, nắng nóng và gió lớn đã khiến đám cháy bùng phát và nhanh chóng lan rộng, vượt ngoài tầm kiểm soát.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT Lê Đình Thơm cho rằng, việc thiếu ý thức của các đối tượng sử dụng lửa chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cháy rừng trong nhiều năm qua, chủ yếu từ các hoạt động sản xuất, kể cả việc đốt nương làm rẫy, đốt đồng ruộng… Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được kiểm soát.
Thực tế cho thấy rằng, chỉ cần một phút bất cẩn của con người đã tạo từ một “đốm lửa nhỏ” trở thành một “đám cháy dữ dội” trên diện rộng. Hàng trăm ha rừng với bao nhiêu công sức bảo vệ, chăm nom và phải đến cả hàng chục năm, thậm chí đến hàng trăm năm chúng ta mới tạo nên được những cánh rừng như vậy, nhưng chỉ trong một vài giờ đồng hồ đã có thể trở về với “đống tro tàn”, gây rất nhiều thiệt hại về mặt vật chất. Đặc biệt, hậu quả của cháy rừng còn uy hiếp và ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của các hộ dân sống ở khu vực gần rừng khi đám cháy đã lan rộng và chưa được kiểm soát, thì thật khôn lường. Và một hệ lụy không thể không kể đến đó là việc bị mất rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ môi trường sống từ những lợi ích mà rừng mang lại.
Để giải quyết được vấn đề “gốc rễ” này, thực tế cho thấy, cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng cháy rừng. Tuy đây đã là biện pháp đã được các cơ quan chức năng làm thường xuyên nhưng cần được quan tâm tăng cường hơn nữa, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm thường xảy ra cháy rừng. Xác định tuyên truyền theo hướng “mưa dầm thấm lâu” để ý thức về phòng cháy rừng, bảo vệ rừng đối với những người dân sống ở gần rừng, bìa rừng ngày càng được nâng lên, ý thức trong việc sử dụng lửa, đặc biệt trong thời kỳ thời tiết nhiệt độ cao, nắng nóng, khô hanh, gió thổi mạnh.
Trong đó, một khía cạnh cần được quan tâm đó là tuyên truyền về cách sử dụng lửa có kiểm soát. Đặc biệt, đối với những vùng sản xuất có nguy cơ, những vùng người dân thường có thói quen đốt thực bì, đốt thảm thực vật cần được quản lý chặt chẽ và có những quy chế cụ thể trong việc sử dụng lửa gần rừng.
Và vấn đề sâu xa cần chạm tới, đó là cần tuyên truyền về vai trò của công tác bảo vệ rừng đối với cuộc sống, môi trường sống của người dân, gắn những giá trị của rừng với cuộc sống của người dân ở đây, làm sao để người dân hiểu được giá trị của rừng để từ đó tự giác nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng.
Một giải pháp nữa không thể không nhắc đến, đó là vai trò của các cơ quan chức năng Nhà nước trong công tác phòng cháy rừng. Vào thời kỳ cao điểm nắng nóng, dự báo thời tiết khô hanh, mức cảnh báo cháy rừng đã lên đến cấp độ 4, cấp độ 5, cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm đòi hỏi các cơ quan chức năng có liên quan cần nêu cao tinh trần trách nhiệm, làm tốt công tác phòng cháy rừng thông qua việc tăng cường tần suất tuần tra, kiểm tra. Đặc biệt, tại các trọng điểm của các khu vực cháy rừng, cần thành lập các chốt để kiểm soát người ra, vào rừng.
Và ở đây, sẽ là rất thiếu nếu không nhắc đến vai trò quan trọng của chính quyền cơ sở trong việc ngăn ngừa, phát hiện sớm và kịp thời chữa cháy. Về vấn đề này, Tổng cục Lâm nghiệp đã yêu cầu, trong những ngày nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng ở cấp 4 (cấp nguy hiểm) và cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), chính quyền địa phương cần phối hợp với lực lượng Kiểm lâm để hướng dẫn chủ rừng thực hiện xử lý thực bì theo phương pháp đốt trước có kiểm soát tại nơi có điều kiện áp dụng để giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao; làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm Lâm Lê Đình Thơm, với những địa phương trọng điểm thường xảy ra cháy rừng, trong chỉ đạo, Cục đã đề nghị rất rõ các địa phương phải tiến hành khoanh vùng những nơi có nguy cơ cháy rừng cao, đồng thời, tại những khu vực này, yêu cầu các địa phương duy trì công tác ứng trực và tuần tra tần suất nhiều hơn.
Và để hạn chế cháy rừng xảy ra, chúng ta cần có những biện pháp mạnh, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi sử dụng lửa bất cẩn gây nên những hậu quả nghiêm trọng để mang tính răn đe. Đây chính là những bài học đắt giá cho những ai còn lơ là, chủ quan khi sử dụng lửa gần rừng, dẫn đến cháy rừng.
Mùa nắng nắng, khô hanh đang bắt đầu đến, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương và người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng cháy rừng, đừng để mỗi khi đến mùa nắng nóng, khô hanh, cháy rừng “đến hẹn lại lên”, gây nên những thiệt hại khôn lường./.