BVR&MT – Các công viên động vật hoang dã ở Nam Phi cho biết, sau một năm tạm lắng do đại dịch Covid-19, nạn săn trộm tê giác đang gia tăng trở lại ở nước này kể từ khi chính phủ nới lỏng các hạn chế giãn cách.
Các hạn chế nghiêm ngặt về du lịch, gồm cả du lịch quốc tế, được áp đặt từ tháng 3 năm ngoái đã có tác dụng đáng mừng là ngăn chặn những kẻ săn trộm tê giác. Năm 2020, chỉ có 394 con tê giác bị săn trộm, ít hơn 30% so với năm trước, và là con số hàng năm thấp nhất kể từ năm 2011.
Nhưng sau đó, vào tháng 11 năm ngoái, Nam Phi bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại quốc tế.
Tiến sĩ Jo Shaw, Trưởng nhóm Tê giác châu Phi của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) cho biết: “Từ tháng 11, tháng 12 năm ngoái đến năm 2021, nhiều vườn quốc gia, và đặc biệt là Vườn quốc gia Kruger đã trải qua nhiều vụ săn trộm tê giác nghiêm trọng”.
Bà nói: “Có một mối đe dọa thực sự là nạn săn trộm đã gia tăng kể từ khi bị phong tỏa, có lẽ để đáp ứng nhu cầu từ thị trường quốc tế”.
Việc săn trộm tê giác thường liên quan đến cả những kẻ săn trộm địa phương và các tổ chức tội phạm quốc tế buôn lậu hàng hóa có giá trị cao qua biên giới.
Phương pháp của chúng rất tàn nhẫn. Chúng dùng súng an thần để bắn những con tê giác trước bẻ gãy sừng, dẫn đến việc con vật bị chảy máu đến chết.
Các khu bảo tồn, vốn đang chống chọi với ngân sách eo hẹp trong bối cảnh du lịch tạm lắng do đại dịch gây ra, cũng buộc phải cắt giảm các cuộc tuần tra chống săn trộm. Điều này làm tăng thêm mối đe dọa đối với tê giác.
Một số khu bảo tồn đã cưa sừng tê giác như phương pháp để ngăn chặn những kẻ săn trộm. Các bác sĩ thú y cắt sừng ở phần cuống chứ không cắt bỏ tất cả, để tê giác không bị chảy máu đến chết. Khu bảo tồn thiên nhiên Balule, nằm trong Vườn quốc gia Kruger đã cắt sừng của 100 con tê giác kể từ tháng 4-2019.
Bộ Môi trường Nam Phi dự kiến sẽ công bố số liệu tê giác bị săn trộm trong nửa năm 2021 vào cuối tháng 6.
Bà Frances Craigie, Giám đốc lực lượng thực thi của Bộ Môi trường Nam Phi cho biết, có khoảng 16.000 con tê giác nằm trong biên giới của nước này.
Nhưng nạn săn trộm không ngừng và hạn hán ở vùng Đông Bắc Nam Phi đã ảnh hưởng nặng nề đến quần thể tê giác. Một báo cáo của Vườn quốc gia Nam Phi cho thấy, tại Vườn quốc gia Kruger, số lượng tê giác đã giảm gần 2/3 trong thập kỷ qua, xuống còn khoảng 3.800 con vào năm 2019 so với 11.800 con vào năm 2008.