BVR&MT – Tỉnh Gia Lai có 90 km đường biên giới giáp với nước bạn Cam-pu-chia trải dài trên địa bàn 7 xã thuộc ba huyện: Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai. Phát triển kinh tế bền vững, chăm lo nâng cao đời sống cho người dân luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại các xã biên giới và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Khởi sắc vùng biên
Huyện Đức Cơ có chiều dài đường biên giới 35 km nằm ở hai xã là Ia Pnôn và Ia Dom giáp nước bạn Cam-pu-chia. Trên địa bàn có cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, nơi kết nối thông thương giữa người dân hai nước nên các xã này sớm được đầu tư về cơ sở hạ tầng. Với lợi thế đó, cuối năm 2015, Ia Dom được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và là xã biên giới đầu tiên của vùng Tây Nguyên hoàn thành mục tiêu này; xã Ia Pnôn đến năm 2020, cả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới được hoàn thành, với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng. Hệ thống điện – đường – trường – trạm gần như được đầu tư hoàn chỉnh, giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều khởi sắc. Ông Rơ Châm Blê (làng Ba, xã Ia Pnôn) chia sẻ: “Từ khi được sử dụng điện, người dân trong làng rất phấn khởi. Giờ đây, nhà nào cũng có ti-vi, có nhà còn sắm được cả tủ lạnh, sinh hoạt đỡ vất vả hơn nhiều. Nhờ có điện, người dân sử dụng máy bơm nước, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao hơn”.
Ở làng Poong (xã Ia Dơk), ông Rơ Mah M’rao (60 tuổi, dân tộc Gia Rai), là một trong những tỷ phú đầu tiên. Hiện ông Rơ Mah M’rao sở hữu 20 ha cao-su tiểu điền, gần 10 ha điều, 3 ha cà-phê đang thu hoạch, năm sào lúa nước hai vụ, hơn 20 con bò, ngôi nhà ba tầng trị giá hơn hai tỷ đồng, hai xe ô-tô và một xe tải… bình quân mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng. Tìm hiểu thêm thì được biết, trong số hơn 230 hộ của làng Poong, có đến hai phần ba số hộ là khá và giàu; ở làng Poong không nhà nào không có đất trồng các loại cây như cà-phê, tiêu, điều và cao-su; nhà ít cũng có 3 đến 4 ha, nhà nhiều thì hàng chục héc-ta. Chia sẻ với chúng tôi, ông Rơ Mah M’rao lý giải nguyên nhân giàu lên của người dân nơi đây: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là giữ được đất. Nhờ bám lấy đất đai, người dân kiên trì lại chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế gia đình; cũng có người thu nhập ổn định nhờ được tuyển dụng vào làm công nhân cho các đơn vị thuộc Binh đoàn 15… Sau những tháng năm chăm chỉ vất vả, những nông dân nghèo dần trở thành triệu phú. Làng Poong hiện có rất nhiều hộ sở hữu từ 5 đến 7 ha cao-su tiểu điền đã cho khai thác, do vậy người dân đã chủ động phát triển kinh tế, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Huyện Chư Prông có hai xã Ia Púch và Ia Mơr có chiều dài đường biên 42 km giáp với nước bạn Cam-pu-chia. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, những xã nghèo, đặc biệt khó khăn trước đây nay đã đạt 12 trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 4%. Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Nguyễn Anh Dũng cho biết, trước đây, do nhiều khó khăn, giao thông cách trở, người dân khó tiếp cận thông tin về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 5 năm trở lại đây, đời sống được nâng cao, được tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên người dân từng bước chuyển biến nhận thức, nhờ đó đời sống vật chất, sinh hoạt cũng có những thay đổi. Hiện trên địa bàn huyện có dự án thủy lợi Ia Mơr với số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được phê duyệt đầu tư từ năm 2005, với hồ chứa rộng khoảng 2.800 ha, dung tích khoảng 180 triệu m3, phục vụ tưới hơn 12.500 ha đất trồng cây và nước sinh hoạt cho 50 nghìn nhân khẩu của huyện Chư Prông và một số xã thuộc huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Hy vọng khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn nói chung và đời sống người dân vùng biên giới Chư Prông nói riêng…
Vì sự bình yên miền biên viễn
Vùng biên giới Gia Lai đang thật sự đổi thay. Đường dẫn về các thôn làng nối tiếp những rừng cao-su bạt ngàn; những vườn điều, vườn cà-phê trĩu quả hứa hẹn một cuộc sống bình yên, no đủ. Có được sự đổi thay như trên, ngoài sự nỗ lực của người dân; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, đến xã thì không thể không kể đến những đóng góp miệt mài của những người lính “Cụ Hồ” Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) và những người lính Biên phòng tỉnh Gia Lai đang ngày đêm cùng người dân bảo vệ sự bình yên miền biên viễn. Làng Tung (xã Ia Nan, huyện Ðức Cơ) là nơi sinh sống của 170 hộ dân, 820 nhân khẩu, đều là người dân tộc Gia Rai. Trước đây, cuộc sống của đồng bào phiêu dạt theo những cánh rừng và hầu như cả làng đều không biết chữ. Đến giáp hạt thì đói, bà con phải chờ cứu trợ từng ngày. Nghèo, đói cũng là nguyên nhân làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như người chết chôn chung, trộm cắp, phá rừng làm nương rẫy, vượt biên trái phép… Năm 2009, làng Tung được bộ đội Công ty 72 của Binh đoàn 15 về giúp khai hoang trồng lúa nước. Ban đầu, nhiều người chưa tin, chưa hiểu vì họ chưa trồng lúa nước bao giờ, nhưng rồi được bộ đội Binh đoàn chỉ dẫn, người Gia Rai đã trồng lúa nước thành thạo. Từ năm 2015 trở đi, người dân trồng lúa nước đại trà và đem lại kết quả ngoài sự mong đợi, năng suất đạt từ 37 đến 40 tạ/ha, cao gấp bảy lần lúa rẫy. Bây giờ, làng có hơn 70% số hộ khá, giàu. Ông Ksor Thi, người dân làng Tung, xã Ia Nan cho biết, cách đây hơn 5 năm, đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng biên giới nghèo lắm, số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đất đai tuy nhiều nhưng nhìn đâu cũng chỉ thấy cỏ dại do họ chưa biết tận dụng tốt quỹ đất để phát triển kinh tế gia đình. Đang loay hoay tìm lối thoát nghèo thì dân làng được bộ đội các công ty: 72, 74, 75, 715… của Binh đoàn 15 đến tiếp sức, vừa tuyên truyền vận động, đầu tư kinh phí giúp người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vừa tuyển dụng con em địa phương vào làm công nhân ở các đơn vị trồng cao-su, cà-phê giúp họ có thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên vùng biên giới. Bây giờ, ngoài nhận khoán vườn cây, nhiều gia đình đã có vốn và kinh nghiệm trồng thêm từ 2 đến 5 ha cao-su tiểu điền, 3 đến 5 ha điều và cà-phê… thu nhập trung bình mỗi năm từ 150 đến 300 triệu đồng, thậm chí có hộ thu nhập lên đến cả tỷ đồng… “Ngoài sản phẩm từ cây cao-su và cà-phê, cây lúa nước đã giúp người Gia Rai ở vùng biên giới thêm no đủ. Từ chỗ không có ai biết trồng, nay trong xã đã có hơn 1.590 hộ trồng lúa nước, diện tích đạt hơn 60 ha và còn lan rộng sang nhiều địa phương khác. Đấy là nhờ vào sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước; của cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 15” – đồng chí Rơ Châm Tưng, Bí thư Ðảng ủy xã Ia Nan cho biết thêm.
Ngoài lực lượng quân đội của Binh đoàn 15 thì lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cũng tích cực giúp người dân nơi đây. Bằng những biện pháp thiết thực, các đồn biên phòng đã phát huy vai trò “bà đỡ”, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ chính quyền xây dựng nông thôn mới. Để đồng hành cùng địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, cấp ủy, chỉ huy đơn vị Bộ đội Biên phòng thường xuyên bám dân, bám làng tổ chức họp bàn, góp ý xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn bám sát địa bàn, gần gũi từng hộ dân, cùng người dân lao động, tổ chức lại sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết thêm: Đứng chân trên địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn, chúng tôi luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội cũng như giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Năm 2020, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Gia Lai phân công đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ thôn, làng, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Gia Lai và Huyện ủy các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông phối hợp chặt chẽ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn đảng ủy các đồn biên phòng và đảng ủy các xã biên giới triển khai thực hiện. Đến nay, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử 49 đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, làng; cử 216 đảng viên phụ trách 951 hộ gia đình ở các xã biên giới.
Những đảng viên này khi được phân công nhiệm vụ luôn thực hiện tốt phương châm “Ba bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới các xã biên giới Gia Lai và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.