BVR&MT – Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, ngày 19/4, vị trí tâm siêu bão Surigae ở khoảng 14,5 độ vĩ bắc; 126,3 độ kinh đông, cách bờ biển miền trung Phi-li-pin khoảng 270 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.
Ðến 7 giờ hôm nay (20/4), vị trí tâm bão cách đảo Lu-dông (Phi-li-pin) khoảng 370 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được 5 đến 10 km. Ðến 7 giờ ngày 21/4, vị trí tâm bão cách phía bắc đảo Lu-dông khoảng 240 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.
★ Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp rìa xa phía tây bắc của hoàn lưu cơn bão Surigae nên ngày hôm nay (20/4), ở vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Ðông có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao từ 2 đến 4 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 1. Các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp.
★ Ngày 19/4, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổng hợp từ báo cáo nhanh của tỉnh Lào Cai cho biết, trận lũ ống ngày 17/4 trên địa bàn tỉnh đã làm ba người chết; 37 nhà bị thiệt hại; 26,5 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hỏng… tổng thiệt hại kinh tế ước tính hơn 5,3 tỷ đồng.
★ Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đề nghị các địa phương triển khai thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả và ứng phó diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi phía bắc. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau triển khai thực hiện Công văn số 177/VPTT ngày 18/4 của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT sẵn sàng ứng phó siêu bão Surigae. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão đang hoạt động phía đông quần đảo Phi-li-pin; tổ chức ứng trực thường xuyên, chủ động xử lý khi có tình huống xảy ra.
★ Từ ngày 20 đến 22/4, chỉ số tia cực tím cực đại ở Bắc Bộ có xu hướng tăng dần lên, phổ biến ở mức nguy cơ gây hại rất cao; ở Trung Bộ và Nam Bộ tiếp tục duy trì mức nguy cơ gây hại rất cao. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên áp dụng các cách phòng tránh để cơ thể giảm mức thấp nhất ảnh hưởng từ tia cực tím.
★ Tỉnh Lào Cai huy động tổng lực các lực lượng, phương tiện nhằm khắc phục nhanh chóng hậu quả trận lũ ống xảy ra ngày 17/4 trên địa bàn huyện Văn Bàn. Ðến ngày 19/4, lực lượng cứu hộ đã bốc xúc, giải phóng hơn 4.000 m3 đất đá, thông hoàn toàn quốc lộ 279, bảo đảm giao thông đi lại an toàn. Hiện địa phương vẫn duy trì lực lượng quân đội tìm kiếm nạn nhân bị mất tích tại khu vực chung quanh suối Nậm Liệp. Riêng về nạn nhân mất tích, đã xác định được danh tính, đó là ông Thào A Deo, sinh năm 1975, trú tại thôn Xì Phài, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
★ Chiều 19/4, đoàn công tác UBND huyện Tịnh Biên (An Giang) đến thăm, động viên và hỗ trợ hai gia đình ở ấp Trung Bắc Hưng, xã Nhơn Hưng bị thiên tai, mỗi gia đình 5 triệu đồng. Trước đó, chiều 18/4, một trận dông lốc đã xảy ra trên địa bàn gây tốc mái nhà của các hộ gia đình này.
★ Ngày 19/4, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khởi công xây nhà an toàn phòng, tránh bão do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ. Ðợt này, ở huyện đảo Lý Sơn có 10 hộ nghèo, cận nghèo được lựa chọn hỗ trợ xây nhà tránh bão với tổng kinh phí gần một tỷ đồng. Mẫu nhà tránh bão được thiết kế kiên cố, có khả năng chịu sức gió cấp 12, phù hợp điều kiện từng hộ dân và thời tiết trên đảo. Dự kiến, cuối tháng 5 tới, 10 ngôi nhà ở an toàn phòng, tránh bão tại đảo Lý Sơn sẽ hoàn thành, giúp người dân có chỗ ở an toàn trước mùa mưa bão năm nay.
★ Tỉnh Thái Nguyên vừa lắp đặt sáu ca-mê-ra tại các điểm xung yếu dọc sông Cầu để quan sát mực nước lũ trên sông, nhằm kịp thời cảnh báo cho chính quyền và nhân dân vùng hạ lưu tại huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên, một số địa phương thuộc tỉnh Bắc Giang biết lưu lượng nước, mức báo động, từ đó có giải pháp đối phó kịp thời, giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra.
★ Trước nhiều kiến nghị của người dân về việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, chim yến trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ngày 19/4, UBND tỉnh Quảng Nam có tờ trình HÐND tỉnh, đề nghị xem xét thông qua và ban hành nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi chim yến trên địa bàn toàn tỉnh.
★ Ðến nay, 115.300 trong tổng số 145.900 con trâu, bò của 13 huyện, thị xã, thành phố tại Hà Tĩnh (đạt gần 80%) đã được tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương nhanh chóng huy động nhân lực, tập trung đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc-xin trên trâu, bò theo hướng dẫn chuyên môn.
★ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) vừa tiếp nhận 13 cá thể cheo cheo do người dân bàn giao để cứu hộ trước khi thả về môi trường tự nhiên. Số cheo cheo được một hộ gia đình nuôi nhốt nhiều năm nay. Sau khi được chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm vận động, gia đình đã nhận thức được việc bảo vệ động vật hoang dã và tự nguyện bàn giao cho cơ quan chức năng.
★ Khoảng 15 giờ ngày 19/4, tàu SAR 272 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực III đã đưa thi thể một thuyền viên tàu Khang Anh 189 thuộc Công ty cổ phần Vận tải thương mại Hà Minh (Hải Phòng), bị chìm trên biển Vũng Tàu vào đất liền, bàn giao cho cơ quan chức năng, đại diện chủ tàu và người nhà nạn nhân. Trước đó, ngày 15/4, tàu này đã va chạm với tàu công-ten-nơ SITC KAWASAKI (quốc tịch Hồng Kông). Tàu SITC KAWASAKI tổ chức tìm kiếm và đã cứu được 10 thuyền viên, còn một thuyền viên mất tích.