BVR&MT – Sau những thành tựu đã đạt được từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Chương trình OCOP giai đoạn 2018 -2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai sâu rộng trong cả nước.
Sau 3 năm triển khai, với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân, đến nay đã có 59/63 tỉnh, Thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng được 4.469 sản phẩm của 2.439 chủ thể đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018 – 2020). Trong đó, 1,7% tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá có tiềm năng 5 sao.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong chương trình OCOP, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đặt ra những định hướng cụ thể cho chương trình giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, mục tiêu chung của chương trình là phát triển sản phẩm OCOP, từ đó tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Về mục tiêu cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới xác định: Đến năm 2025, cả nước sẽ phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao; Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định; Có ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%.
Trong quá trình triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế khó khăn. Để giải quyết những hạn chế, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai Chương trình giai đoạn 2018 – 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tập trung xây dựng khung Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với tiềm năng và lợi thế của các địa phương, huy động sự tham gia của các chủ thể kinh tế, các cấp, các ngành trong triển khai Chương trình.
Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện Bộ tài liệu đào tạo, hướng dẫn triển khai Chương trình đến khi ban hành Chương trình mới; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phát triển ngành nghề nông thôn, dịch vụ du lịch gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chế biến, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP….
Đặc biệt, các địa phương cần tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là tiềm năng về nguyên liệu địa phương, ngành nghề nông thôn, du lịch cộng đồng để có chính sách, giải pháp phù hợp để phát triển sản phẩm OCOP. Các Bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hướng dẫn các địa phương, chủ thể áp dụng các quy định liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm và sở hữu trí tuệ…
Căn cứ kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2018 -2020, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đề nghị các địa phương cần xác định đây là Chương trình phát triển kinh tế nông thôn, chỉ đạo các sở, ngành tổ chức rà soát, nghiên cứu và xây dựng Đề án/Kế hoạch Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 để tập trung các giải pháp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương về nguyên liệu, lao động và ngành nghề truyền thống nông thôn.