BVR&MT – Ngày 31/3, tại thành phố Đà Nẵng, Sở TN&MT Tp Đà Nẵng đã tổ chức buổi hội thảo nhằm đánh giá kết quả sau hai năm triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn (2019 -2020) và phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (2019 -2020), xây dựng kế hoạch năm 2021.
Tham dự hội thảo có ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN Tp Đà Nẵng, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các hội, đoàn thể, các chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ như WWF, JICA, UNDP; Trung tâm Green Hub, CECR…
Tại hội thảo, Đại diện Sở TN&MT, Hội liên hiệp phụ nữ Tp Đà Nẵng, UBND quận Thanh Khê, Sở Du lịch, đã chia sẻ những kết quả đạt được và những khó khăn trong công tác triển khai phân loại CTRSH tại nguồn và phong trào Chống rác thải nhựa, các sáng kiến trong quá trình tổ chức thực hiện.
Kế hoạch triển khai phân loại rác thải tại nguồn ở thành phố Đà Nẵng được thực hiện tại Tp Đà Nẵng vào năm 2019. Ngày 11/4/2019, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025.
Trong năm 2020, việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn tại thành phố Đà Nẵng được tiếp tục triển khai với 100% các quận, huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn cho giai đoạn 2019 -2025 và từng năm.
Theo báo cáo của Sở TN&MT Đà Nẵng, kết quả CTRSH sau phân loại được thu gom, tái chế năm 2020 là hơn 200 tấn rác tài nguyên được thu gom, tái chế (các số liệu cung cấp tại 03 quận, huyện như sau, Hải Châu: 121 tấn, Thanh Khê: 50 tấn, Hòa Vang: 36 tấn).
Tại quận Thanh Khê, sau khi triển khai kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn cũng đã bắt đầu hình thành thói quen của người dân đối với ý thức phân loại rác thải sinh hoạt tại quận. Tuy nhiên để việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn trở thành nề nếp hơn và hình thành thói quen của người dân góp phần thực hiện kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn tại quận Thanh Khê đạt kết quả hơn nữa, người dân cần được tuyên truyền nhiều hơn và hiểu rõ hơn về lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn.
Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Tp Đà Nẵng: Hiện nay bãi rác Khánh Sơn thành phố Đà Nẵng đã quá tải trong diện tích chứa rác thải sinh hoạt nên việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn với người dân thành phố Đà Nẵng là rất cần thiết nhằm giảm thiểu lượng rác được chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Bên cạnh đó, khi việc việc thu gom các loại rác thải sinh hoạt có khả năng tái chế (rác tài nguyên) được hình thành thói quen trong người dân thành phố sẽ tạo nên nhiều lợi ích; điều quan trọng hơn, việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt góp phần làm giảm thiểu các loại rác thải nhựa, rác thải nguy hại ra môi trường, góp phần làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống.
Vừa qua, Sở TN&MT đã có đề xuất với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng bố trí 118 lô đất trống nhằm làm điểm tập kết các loại rác thải sau phân loại; để các loại rác thải sau khi phân loại 3R, người dân sẽ mang đến tại khu vực này, tiện cho công nhân Công ty Môi trường đô thị thành phố đến thu gom. Với những kết quả bước đầu trong thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn đạt được là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện sâu rộng hơn nữa trên địa bàn Tp Đà Nẵng.
Hiện nay, công tác thu gom rác thải sau khi phân loại được công ty CP Môi trường đô thị thành phố Đà Nẵng thực hiện, tuy nhiên kết quả đạt được không cao. Trái lại với các tổ chức hội đoàn thể như: CLB Môi trường Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ, … lại thực hiện rất tốt trong việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn trên các địa bàn khu vực dân cư ở quận, huyện, xã phường. Vì vậy, việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn cần phát huy tích cực hơn nữa trong các tổ chức hội, đoàn thể để kế hoạch triển khai phân loại rác thải tại nguồn tại Tp Đà Nẵng được thực hiện hiệu quả hơn.
Hội thảo có sự đồng hành của East Meets West Fuondation (Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ) đang thực hiện dự án xây dựng thành phố lành mạnh ( BHC) tại Đà Nẵng – được tài trợ bởi Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), qua đó giới thiệu các hoạt động sắp tới mà dự án sẽ triển khai ở một số trường học ở Đà Nẵng về mô hình quản lý Quản lý rác thải. Thông qua hoạt động này, BHC hy vọng sẽ tạo nền tảng cho các sáng kiến lâu dài, bền vững nhằm giúp Đà Nẵng thông minh, lành mạnh hơn.
Hồng Sơn