Vải thiều Việt Nam chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản​

BVR&MT – Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, vải thiều là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở nhiều thị trường khác nhau.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Chiều ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2021. Nhiều thông tin liên quan đến các nghiên cứu phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn… được báo chí quan tâm.

Vaccine COVID-19 bảo đảm tính an toàn cao

Tại buổi họp báo, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành kinh tế – kỹ thuật cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, vấn đề nghiên cứu vaccine phòng chống COVID-19 được đặt ra. Bộ KH&CN đã phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu vaccine, giao cho Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu sản xuất.

Trong thời gian ngắn, công ty đã hoàn thiện quy trình công nghệ và các quy định về việc thực hiện thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật để bảo đảm tính an toàn, hiệu quả. Sau đó vaccine đã được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm lâm sàng. Đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 1, giai đoạn 2 đang tiến hành tiêm cho 560 người, mỗi người tiêm 2 mũi. Dự kiến ngày thứ 35 sau khi tiêm mũi thứ 2, các tình nguyện viên sẽ được lấy máu xét nghiệm để đánh giá hiệu qủa vaccine.

“Kết quả bước đầu cho thấy khi vaccine sử dụng trên người bảo đảm tính an toàn cao, đồng thời cũng có sinh kháng thể khá mạnh, tỷ lệ tăng kháng thể cao, có người tăng 200-300 lần so với trước khi tiêm”, ông Trịnh Thanh Hùng thông tin.

Theo kế hoạch, hết tháng 4 sẽ hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và đầu tháng 5 sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, trong đó giai đoạn 3B sẽ tiếp tục tiêm cho khoảng 10.000-15.000 người ở trong nước cũng như một số nước khác. Bộ KH&CN phối hợp với một số bộ, đơn vị đang hỗ trợ công ty tiến hành tìm kiếm đối tác nước ngoài để tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Nhật Bản cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Việt Nam

Liên quan đến việc Nhật Bản cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, đây gần như là một giấy thông hành cực kỳ có ý nghĩa về danh tiếng, uy tín sản phẩm vải thiều Lục Ngạn vào thị trường Nhật Bản. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều Việt Nam ở nhiều thị trường khác nhau.

Để quả vải vào thị trường Nhật Bản, trong những năm qua, chúng ta đã phải trải qua nhiều kiểm soát về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bình thường khi đăng ký chỉ dẫn địa lý vào các quốc gia khác chỉ cần chuyển toàn bộ hồ sơ giấy, cơ quan sở hữu trí tuệ của các quốc gia dựa trên đó để đánh giá.

“Riêng Nhật Bản, gần như có 1 không 2, không chỉ nhận hồ sơ mà còn cử các chuyên gia sang vùng trồng của chúng ta kiểm tra chất lượng từ đất, cây và toàn bộ quy trình”, ông Nguyễn Văn Bảy nhấn mạnh.

Từ việc này, Cục Sở hữu trí tuệ đã rút ra nhiều kinh nghiệm để tăng cường và mang lại hiệu quả cho việc quản lý các chỉ dẫn địa lý khác cho các đặc sản của Việt Nam. Đây sẽ là mô hình để cho các sản phẩm khác đi vào thị trường ở các nước, cũng như trong nước. Cục Sở hữu trí tuệ đang chủ động tổ chức đợt truyền thông rộng rãi, tuyên truyền về cách thức vận hành hệ thống chỉ dẫn địa lý có hiệu quả cho người dân, đặc biệt nông dân, doanh nghiệp biết.

Liên quan đến việc triển khai các hoạt động trong quý I/2021, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết: Trong quý I/2021, Bộ đã tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, trình Chính phủ ban hành một số chính sách, pháp luật về KH&CN đặc biệt liên quan đến những nội dung về công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo để đáp ứng với bối cảnh cách mạng 4.0, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, chiến lược, nhiệm vụ trong lĩnh vực KH&CN giai đoạn 2021-2030; tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ..

Ngoài ra, Bộ KH&CN đang tiếp tục triển khai đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”: Hoàn thiện platform nền tảng, đang cập nhật dữ liệu cho các dự án (Nhân đạo số (inhandao.vn), Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn), Bách khoa toàn thư mở (bktt.vn), Bản đồ an toàn COVID (antoancovid.vn), Giáo dục số (igiaoduc.vn); hiện đang hoàn thiện platform các dự án: Dinh dưỡng số, Văn hóa số, Dược thư số, Công nghệ tiếng nói…).

Bộ KH&CN cũng đang phối hợp với VinBigData, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và một số đơn vị liên quan, nghiên cứu xây dựng hệ thống Dữ liệu mở về KH&CN ứng dụng công nghệ BigData phục vụ cộng đồng nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tận dụng nền tảng công nghệ, dữ liệu và nguồn nhân lực hỗ trợ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19…/