BVR&MT – Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2021/NĐ-CP về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Trong đó, Nghị định quy định rõ về điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.
Quản lý chặt chẽ theo chuỗi
Theo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; sản xuất giống của loài cây trồng lâm nghiệp chính phải sử dụng vật liệu nhân giống từ giống, nguồn giống được công nhận.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Có địa điểm giao dịch hợp pháp; có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ, nhãn phù hợp quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định này; các thông tin về vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng, thời gian giao nhận.
Trước khi sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, số điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nghị định cũng nêu rõ công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc quản lý chặt chẽ theo chuỗi đối với giống các loài cây trồng lâm nghiệp chính, khuyến khích thực hiện đối với các giống cây trồng lâm nghiệp khác, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống.
Chỉ sản xuất, kinh doanh các giống cây lâm nghiệp chính đã được công nhận
Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Nghị định nêu rõ, đối với giống của loài cây trồng lâm nghiệp chính: Chỉ đưa vào sản xuất, kinh doanh các giống, nguồn giống đã được công nhận. Chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở về giống cây trồng lâm nghiệp.
Theo quy định, đối với lô hạt giống phải được thu hái từ nguồn giống được công nhận còn thời hạn sử dụng; chất lượng hạt giống đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia về hạt giống. Đối với cây giống trong bình mô phải sản xuất từ giống được công nhận, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây mầm mô; đối với hom giống, cành ghép, mắt ghép phải được lấy từ vườn cây đầu dòng, cây trội được công nhận còn thời hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về hom giống, cành ghép, mắt ghép; đối với lô cây giống phải được sản xuất từ cây trong bình mô hoặc giống được thu hái từ nguồn giống đã được công nhận, còn thời hạn sử dụng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây giống.
Bên cạnh đó, sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo phương pháp nhân giống hữu tính và phương pháp nhân giống vô tính theo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô phải sử dụng vật liệu nhân giống từ giống gốc hoặc giống phục tráng; giống gốc hoặc giống phục tráng sau 02 năm sử dụng nhân giống phải được phục tráng lại theo tiêu chuẩn quốc gia về phục tráng giống.
Ngoài ra, giống cây trồng lâm nghiệp chưa được công nhận được xuất khẩu để phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo, triển lãm, trao đổi quốc tế không vì mục đích thương mại và phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy phép.
Văn Trì.