BVR&MT – Các chủ thể kinh doanh tăng trưởng doanh thu bình quân 17,6%, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20-40% là một trong nhiều thành quả đạt được sau chưa đầy 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại gần 60 tình, thành phố.
Sáng 23/03, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), giai đoạn 2018 – 2020. Tham dự buổi tổng kết có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.
Theo Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2018 – 2020, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP hiện nay đã có 57/59 tỉnh, thành phố chính thức công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm. Chưa đầy 3 năm kể từ khi triển khai, đã có 4.469 sản phẩm tham gia Chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên (62,2% sản phẩm đạt 3 sao, 36,2% sản phẩm đạt 4 sao và 1,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao) và 21 sản phẩm đang được tiến hành đánh giá để trở thành sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trong tổng số hơn 6000 sản phẩm OCOP có tới 38.3% là các hợp tác xã, 27,5% là doanh nghiệp, 31,5% là cơ sở sản xuất. Các chủ thể của các sản phẩm OCOP đã đóng góp tới 22.845 tỷ đồng, chiếm hơn 16% nguồn vốn triển khai Chương trình.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Chương trình OCOP đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn; đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm, đột phá nhận thức về sản xuất hàng hóa ở nông thôn từ đó mở rộng quy mô sản xuất và doanh thu.
Chương trình OCOP đã góp phần không nhỏ vào tạo công ăn việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình là tỉnh Quảng Ninh – nơi khởi nguồn cho Chương trình phát triển, đã tạo việc làm cho trên 3.800 lao động trực tiếp với hơn 400 sản phẩm, đóng góp 400 – 500 tỷ đồng/năm vào nguồn thu ngân sách tỉnh. Tỉnh Hà Tĩnh với gần 2200 việc làm được tạo mới… Tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%, cao hơn tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành các doanh nghiệp của Việt Nam (25%) đặc biệt ở khu vực miền núi phía Bắc lên tới 43,4%.
Không chỉ thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, Chương trình OCOP cũng góp phần bảo tồn và phát huy gần 2.000 làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa. Chánh văn phòng điều phối NTM trung ương (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Minh Tiến cho biết: Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Lãnh đạo các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò của các Sở, ngành. Thông qua đó, các địa phương đã thấy được rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Chính vì thế xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển theo hướng tích cực và được triển khai ở nhiều địa phương với khoảng 300 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động trên phạm vi cả nước.
Về mục tiêu chương trình OCOP trong 5 năm tới (2021 – 2025), thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, sẽ phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao; phấn đấu có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định; có ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2018 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018. Sau đó 29 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể được Chính phủ ban hành giúp Chương trình phát triển đúng hướng.
Đến hết năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức đào tạo tập huấn cho trên 8.000 lượt cán bộ quản lý (cấp Trung ương, tỉnh). Các địa phương đã tổ chức tập huấn cho gần 29.138 lượt cán bộ quản lý cấp tỉnh, huyện, xã và trên 38.704 lượt chủ thể. Về quảng bá, xúc tiến thương mại, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức 01 Hội chợ quốc tế và 15 diễn đàn/hội chợ OCOP cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP;… Bộ Công Thương đã đưa sản phẩm OCOP vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, phát triển mạng lưới Điểm bán hàng OCOP và tổ chức nhiều hội chợ kết nối cung – cầu sản phẩm OCOP… |
Lê Dương – Quỳnh Anh