BVR&MT – Vừa qua, Viện nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) phối hợp với Trung tâm Hợp tác Quốc tế về nghiên cứu phát triển nông nghiệp – Pháp (CIRAD) đã tổ chức buổi tọa đàm về những thách thức mà hệ sinh thái ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, từ đó đưa ra hướng giải quyết nhằm phát triển tiềm năng ngành nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.
Hệ sinh thái nông nghiệp là để tạo ra và duy trì mối quan hệ bền vững giữa nông nghiệp và môi trường nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn có lợi cho sức khoẻ và gìn giữ môi trường sạch. Nguyên tắc của hệ sinh thái nông nghiệp giúp chúng ta hiểu được các tác động đa dạng giữa nông nghiệp và môi trường. Khi hiểu rõ về hệ sinh thái nông nghiệp, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và nông dân có thể lựa chọn hệ thống và các công nghệ phù hợp để tạo ra chuỗi các sản phẩm nông nghiệp bền vững.
Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang phải chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, do đó hệ sinh thái nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi điều kiện tự nhiên và môi trường. Những thách thức, khó khăn ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có những giải pháp đưa ra để hạn chế được tác động của môi trường lên sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của con người.
Thách thức, khó khăn mà hệ sinh thái nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt
Hệ sinh thái nông nghiệp Việt Nam tồn tại rất nhiều thách thức trong đó có thể nói đến những thách thức đối với thực phẩm trong bối cảnh đô thị hóa đang ngày càng gia tăng, dẫn đến nhu cầu về số lượng, chất lượng thực phẩm cũng phải cung ứng đủ cho số dân. Quan trọng hơn, chất lượng của thực phẩm phải đáp ứng được yêu cầu an toàn và sạch đáp ứng yêu cầu của những người tiêu dùng khó tính.
Đó là những chia sẻ được ông Pascal Lienhard – chuyên gia viên quan hệ quốc tế nghiên cứu về môi trường, nông nghiệp nói chung, sinh thái nông nghiệp đưa ra đối với thách thức mà nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt.
Theo đó, hiện nay người tiêu dùng đang rất quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn từ đó đặt ra thách thức đối với sức khỏe con người từ các vi chất, dinh dưỡng trong khẩu phần ăn phải đem lại hàm lượng dinh dưỡng cao cho sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, dư lượng hóa chất trong các sản phẩm nông nghiệp có ảnh hưởng và gây hại cho sức khỏe con người hay không cũng là một khó khăn trong việc giải quyết vấn đề về an toàn thực phẩm.
Những thách thức xã hội về giảm nghèo, cải thiện kế sinh nhai hay thách thức về môi trường đang tạo áp lực lên ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc duy trì chất lượng nước, bảo vệ nguồn đất khỏi các chất thải hóa học, góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học , duy trì hệ sinh thái lành mạnh.
Ông Pascal nhấn mạnh: “Ở Việt Nam sử dụng rất nhiều chất hóa học như thuốc trừ sâu đã và đang ảnh hưởng tới người dân làm nông nghiệp, chất hóa học không chỉ tác động trực tiếp người sản xuất mà còn gây hại gián tiếp tới người tiêu dùng. Không những vậy, Việt Nam đang trong giai đoạn tăng gia sản xuất, thâm canh nhiều nên chất hóa học dễ ngấm vào nước, tác động lâu dài tới môi trường và sức khỏe con người”.
Những con số dẫn chứng từ các nghiên cứu đã thống kê: 92% học sinh nông thôn tiếp xúc với thuốc trừ sâu nguy hại cao trong môi trường; Khoảng 80% học sinh nông thôn cho biết xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như: chóng mặt, nôn, buồn nôn, nhức đầu hoặc khó thở sau khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu, phần lớn trẻ em gái dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu.
Ngành nông nghiệp của Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang nằm giữa ngã tư các mô hình nông nghiệp thâm canh chủ yếu dựa vào đầu vào hóa chất và nguồn vốn. Việc thâm canh nông nghiệp truyền thống đang dẫn đến việc đơn giản hóa cảnh quan nông nghiệp, suy thoái đất và suy giảm đa dạng sinh học, đồng thời gia tăng rủi ro sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng. Năng suất và lợi nhuận nông nghiệp ngày càng trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong điều kiện mưa nhiều. Quản lý bền vững độ phì nhiêu của đất và sức khỏe của đất trong khi duy trì năng suất là một thách thức.
Đi tìm giải pháp phát triển ngành nông nghiệp bền vững ở Việt Nam
Nhiều nghiên cứu về nông nghiệp đã phát triển để đối phó với những thách thức trên. Các mô hình sản xuất nông nghiệp (nông lâm kết hợp cây trồng – vật nuôi, nông nghiệp bảo tồn, v.v.) là những giải pháp chính để thâm canh sản xuất nông nghiệp về lâu dài, hạn chế việc chuyển đổi rừng sang đất trồng trọt, hạn chế sử dụng đầu vào bên ngoài (phân bón, thuốc trừ sâu), phát thải KNK (khí nhà kính) từ nông nghiệp (đặc biệt từ lúa nước và từ các hệ thống chăn nuôi – thức ăn và đồng cỏ) góp phần làm tăng lượng carbon lưu trữ trong đất (nông nghiệp, đồng cỏ và rừng) tác động đến cân bằng phát thải KNK. Việc chuyển đổi cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực tự đổi mới của nông dân và tăng cường đa dạng sinh học nông nghiệp, nâng cao khả năng chống chịu của nông dân và hệ thống sản xuất đối với biến đổi khí hậu.
Ngoài an ninh lương thực và dinh dưỡng, an toàn thực phẩm là một mối quan tâm ngày càng tăng, đặc biệt là liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu cao, ô nhiễm đất và các ô nhiễm nguồn nước. Mặc dù đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn này có thể mở ra cơ hội cho hàng triệu nông dân và doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhưng nó cũng mang lại nhiều thách thức đáng kể. Các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm có thể đe dọa sự tiếp cận của các nhà cung cấp thực phẩm dễ bị ảnh hưởng nhất đối với các thị trường lương thực (xuất khẩu, bán lẻ hiện đại ở khu vực thành thị). Có nhiều phương pháp tiếp cận dựa trên chuỗi giá trị như các chương trình đảm bảo có sự tham gia dựa trên các nghiên cứu nông nghiệp, có thể giúp cho an toàn thực phẩm tiếp cận được với các hộ nông dân sản xuất nhỏ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao phải tạo ra hệ thống buôn bán nhỏ lẻ để người tiêu dùng và người sản xuất được kết nối với nhau. Đó là cách để người tiêu dùng có lòng tin hơn vào người sản xuất, khi có những vấn đề xảy ra người sản xuất sẽ là người chịu trách nhiệm về sản phẩm mà không phải thông qua nhà phân phối. Ngoài ra, cần phải tăng cường tuyên truyền rộng rãi các thông tin về tiêu chuẩn VietGap, nông sản hữu cơ…để nhiều người tiêu dùng có thể biết đến các chuỗi sản phẩm an toàn và chất lượng.
Thậm chí, những nhà sản xuất cũng là những người tiêu thụ và họ hoàn toàn có thể trở thành những nhà nghiên cứu tương lai. Thế hệ trẻ cần phải được tiếp xúc nhiều hơn với nông nghiệp để biến họ trở thành những người có đam mê với nông nghiệp. Có thể đưa nông nghiệp tiếp cận với thế hệ trẻ thông qua các sự kiện như: Ngày Trái Đất, Giờ Trái Đất, Ngày môi trường… để họ hiểu hơn về sinh thái nông nghiệp Việt Nam, biến nghề nông thành nghề mang lại thu nhập cao, cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Về vấn đề thiếu nhân lực chúng ta có thể sử dụng sự nghiên cứu để đào tạo những bạn đang có kiến thức chuyên sâu về nông nghiệp (thạc sĩ, tiến sĩ), tham gia các nghiên cứu về hệ sinh thái để cùng họ hoàn thành các nghiên cứu của chính họ, từ đó sẽ khiến họ có niềm đam mê hơn với sinh thái nông nghiệp. Mặc dù đây không phải giải pháp lâu dài, tuy nhiên có thể được coi là giải pháp tính thế tạm thời giải quyết vấn đề thiếu nhân lực.
Đào Thúy