BVR&MT – Ngày 1/3, tại thành phố Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiện trạng về rác thải nhựa và định hướng ưu tiên cho kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025”.
Tham dự buổi hội thảo, tại địa điểm cầu họp trực tuyến thứ nhất tại Đà Nẵng có ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, các phòng quản lý tài nguyên – môi trường ở các quận, huyện thành phố Đà Nẵng, các nhà khoa học nghiên cứu về môi trường, đại diện các tổ chức quốc tế…
Ở địa điểm cầu họp trực tuyến thứ hai gồm có: ông Lưu Anh Đức , Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng Cục Biển và Hải đảo, Ông Akihiko, Haga, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Phó Tiến sỹ Vũ Đình Hiếu, Tổng Cục Biển và Hải đảo; các tổ chức quốc tế : ESCAP, IGES, IUCN, UNDP, Word Bank, USAID, ISWA, trường đại học Leeds, Đại sứ quán Nhật Bản, ASEAN Secretariat.
Theo báo cáo tại hội thảo: Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng đòi hỏi phải có những phản ứng khẩn cấp toàn cầu. Theo ước tính, có khoảng 8.300 triệu tấn nhựa nguyên sinh đã được sản xuất đến thời điểm hiện tại. Tính đến năm 2015, khoảng 6.300 triệu tấn chất thải nhựa đã được sản xuất, trong đó, chỉ khoảng 9% đã được tái chế, 12% được xử lý bằng phương pháp thiêu đốt, và có tới 79% nằm lại tại các bãi rác hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Nếu chúng ta tiếp tục với xu hướng sản xuất, tiêu thụ và quản lý chất thải hiện tại, khoảng 12.000 triệu tấn chất thải nhựa sẽ được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường tự nhiên vào năm 2050. Các thành phố phát triển nhanh với hệ thống quản lý chất thải yếu kém ở Đông Nam Á, Nam Á và Trung Quốc chính là nguyên nhân tạo ra khoảng 60% lượng chất thải nhựa rò rỉ. Rác thải nhựa đại dương cũng khiến ngành du lịch, đánh bắt cá và vận tải biển trong khu vực Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tiêu tốn 1,3 tỷ USD mỗi năm; Trong khi quản lý tốt và tái chế nhựa có thể giúp các công ty sản xuất hàng tiêu dùng tiết kiệm 4 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Mỗi năm, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh tại Đà Nẵng là 436.000 tấn. Với dân số chỉ hơn một triệu người, điều này tương đương với tỷ lệ phát sinh thải trung bình là 1,05 kg mỗi người mỗi ngày.
Phát biểu tại hội thảo, Ông Võ Nguyên Chương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết: Rác thải nhựa đang hiện diện khắp nơi, ảnh hưởng đến môi trường sống và mỹ quan đô thị. Ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay đang là vấn đề bức bách không chỉ riêng của địa phương nào mà là cả trên toàn cầu.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Thành phố Đà Nẵng đã và đang tích cực thực hiện các kế hoạch và hoạt động liên quan như: phân loại rác thải tại nguồn, giảm sử dụng túi nilon, và các sản phẩm nhựa dùng một lần, trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các chiến dịch làm sạch bãi biển, lô đất trống, khu dân cư… Các hoạt động này đã tác động tích cực về mặt truyền thông, nâng cao nhận thức về chống rác thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Tuy nhiên hoạt động về điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn chưa có đủ điều kiện và nguồn lực để triển khai.
Được sự thống nhất của UBND Tp Đà Nẵng về việc tham gia Dự án khép kín vòng tuần hoàn: Nâng tầm đổi mới để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại các thành phố ASEAN do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (UNESCAP) và Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu (IGES) thực hiện; Từ dự án này, sẽ góp phần hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong công tác thống kê, giám sát, quản lý rác thải nhựa từ các nguồn phát sinh một cách chính xác và hiệu quả hơn; đồng thời xây dựng kế hoạch hành động chung cùng với các tỉnh, thành phố lân cận hướng tới quản lý rác thải nhựa tuần hoàn.
Tại hội thảo, đã có nhiều tham luận được trình bày như: Giới thiệu tổng quan về Dự án “ Khép kín chu trình” và hợp phần tại Đà Nẵng của tổ chức ESCAP và IGES, Giới thiệu về Kế hoạch hành động Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030…. và phần tham gia, tranh luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học.
Dự án “Khép kín Chu trình”: Mở rộng Quy mô Đổi mới để Giải quyết vấn đề ô nhiễm Nhựa trên biển ở các Thành phố – nhằm mục đích giảm tác động môi trường của các thành phố tại ASEAN bằng cách giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ở môi trường biển. Phù hợp với Khuôn khổ Hành động của ASEAN về Rác thải Biển, Tầm nhìn Xanh của G20 Osaka về các chính sách và kế hoạch hành động quốc gia, dự án này hỗ trợ bốn thành phố trong khu vực ASEAN là: Đà Nẵng (Việt Nam), Kuala Lumpar (Malaysia), Surabaya(Indonesia) và Nakhon Si Thammarat (Thái Lan) trong quá trình phát triển các kế hoạch hành động của các thành phố nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa, tạo điều kiện thông thoáng hơn trong quá trình quản lý rác thải nhựa và giảm lượng rác thải nhựa xả bỏ vào môi trường biển từ các nguồn thải trên đất liền.
Hồng Sơn