Hà Nội phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề

BVR&MT – Trong năm 2021, UBND TP Hà Nội xác định mục tiêu phấn đấu phát triển mới 30 – 40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, mỗi quận, huyện, thị xã phải có từ 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trở lên đi vào hoạt động.

Nhiều hội chợ nông sản đã được diễn ra nhằm kết nối doanh nghiệp và nhà cung cấp.

UBND TP Hà Nôị xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm như sau: khảo sát lựa chọn các địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy định; công bố các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố đạt tiêu chí theo Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 16/4/2019 của Bộ Công Thương trên Cổng thông tin điện tử thành phố và các sở; tổ chức lễ khai trương các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã, trung tâm thương mại, siêu thị.

UBND thành phố cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát việc vận hành duy trì các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đã khai trương năm 2020; tổ chức hội nghị liên kết thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; kết nối các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tuyên truyền thông tin chương trình lễ khai trương và phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo các hình thức xây dựng phóng sự, bài viết trên báo, tạp chí, các hội nghị, hội trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Đề xuất, phối hợp tổ chức phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

TP Hà Nội bảo đảm an toàn thực phẩm trong nông nghiệp

Năm 2021, thành phố phấn đấu thực hiện ký cam kết sản xuất an toàn đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đạt 98%. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông sản được giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia giảm 10% so với năm 2020; tiếp tục kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Mô hình trồng chè tại huyện Ba Vì, Hà Nội.

Duy trì, tăng mới 20% chuỗi thực phẩm an toàn nông sản so với năm 2020. UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 9/2/2021 về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021. Tỷ lệ sản phẩm thực phẩm nông sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao được kiểm soát ATTP theo chuỗi đạt 50%. Đồng thời, tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn. Đặc biệt là quản lý và giải quyết hiệu quả, triệt để các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông sản, chủ động xử lý kịp thời các sự cố mất ATTP. Kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng ATTP các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP.

Người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc chỉ với thao tác scan mã QR dễ dàng bằng điện thoại di động.

Tiếp tục phát triển ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông sản. Tạo điều kiện thuận lợi giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó tiết kiệm chi phí cho cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và các cơ quan thực thi nhiệm vụ.

Văn Trì – Ngọc Thăng