Hàng loạt khu du lịch không phép ‘mọc’ ở núi Hải Vân

BVR&MT – Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng thừa nhận sự tồn tại của các khu du lịch không phép ở dưới chân núi Hải Vân. Phường đã có văn bản gửi lãnh đạo quận Liên Chiểu báo cáo….

Thời gian qua, tình trạng xây dựng, kinh doanh không phép trở thành điểm nóng tại khu vực suối Lương thuộc Nam đèo Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Theo ghi nhận của PV, những khu du lịch này mọc lên dọc tuyến đường từ Kim Liên đến cửa hầm đường bộ Hải Vân.


Các khu du lịch mọc lên ở khu vực suối Lương (Nam đèo Hải Vân)

Tại các điểm này, người dân cho xây dựng các công trình quy mô và rất kiên cố gồm nhà cửa, khu vực đón khách và vui chơi. Dọc suối Lương, nhiều chòi được đúc bằng bê tông mọc lên san sát.

Trong khi đó, phía dưới suối các hộ dân cho ngăn dòng để lập thành các hồ bơi. Thậm chí, tận dụng các vách đá sát suối, một số cơ sở còn cho xây máng trượt không theo quy chuẩn nào.

Mặc dù kinh doanh không phép nhưng chủ các cơ sở tại đây treo biển, mời mọc du khách rất công khai. Nếu khách có nhu cầu thuê sạp chỉ cần liên hệ trước với mức giá khoảng 500.000 – 1 triệu đồng. Nhiều chủ cơ sở tự quy định giá vé ra vào khu du lịch là 20.000 đồng/người. Có cơ sở mỗi ngày đón cả trăm lượt khách.

Sẽ kiểm tra và xử lý

Ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc thừa nhận sự tồn tại của các khu du lịch không phép ở dưới chân núi Hải Vân. Ông cho biết, phường vừa có văn bản gửi lãnh đạo quận báo cáo tình trạng này .

Các chòi bê tông mọc lên san sát trong các khu du lịch

Theo ông Việt, hiện tại suối Lương có 11 hộ có cơ sở, trong đó có 9 hộ đang hoạt động kinh doanh. Đa số các hộ dân là người địa phương. Trong số này có 6 hộ dân đã xây dựng nhiều công trình kiên cố và hình thành khu du lịch tắm suối trong nhiều năm nhưng không hề đăng ký kinh doanh.

Theo thông tin từ UBND phường Hòa Hiệp Bắc, nhiều cơ sở kinh doanh trái phép đã mọc lên từ nhiều năm trước nhưng không bị xử lý.

Đơn cử, gia đình ông Nguyễn Túc (trú tại tổ 20) kinh doanh dịch vụ ăn uống, tắm suối từ tháng 3/2012 đến nay nhưng vẫn không đăng ký kinh doanh. Mặc dù chưa được giao đất nhưng hộ này đã cho xây dựng hàng loạt cơ sở như: nhà rộng 50 m2; nhà sàn gỗ, móng trụ bê tông rộng 32 m2; 4 sạp gỗ, 4 hồ nước rộng 20 m2.

Gia đình ông Đinh Viết Thành (trú tại tổ 5) kinh doanh tự phát từ năm 2010…

Theo ông Việt, việc xử lý các cơ sở trái phép gặp khó khăn bởi có yếu tố lịch sử. Các trường hợp hoạt động trái phép như trên đã mọc lên giai đoạn từ năm 2008 – 2014, trước khi kiểm lâm bàn giao đất rừng cho các địa phương quản lý.


Rất đông người dân đổ về vui chơi tại các khu du lịch dưới chân núi Hải Vân

“Trước khi phường nhận bàn giao (năm 2014 – PV), khu vực này thuộc quản lý của Ban quản lý Rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Sau khi ban này giải thể thì bàn giao lại cho Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu. Từ khi nhận bàn giao đến nay không có cơ sở nào xây thêm. Nếu có phát sinh phải có giấy phép” – ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, khu vực suối Lương theo quy hoạch 3 loại rừng của TP thì thuộc vào loại đất khác chứ không phải rừng đặc dụng. Một số hộ dân không phải xây dựng trái phép do đã được giao khoán đất.

Trao đổi với PV, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết đang giao phường Hòa Hiệp Bắc kiểm tra để xử lý.