BVR&MT – Từ xưa đến nay, người Dao ở xã Mẫu Sơn luôn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc riêng rất độc đáo của mình, đó là một nền văn hoá Dao thuần tuý, không pha trộn từ cách ăn, nếp ở, trang phục, phong tục thờ cúng, lễ hội…
Mẫu Sơn là một xã vùng III biên giới thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Toàn xã có 251 hộ với 1.148 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc cùng sinh sống: Dao, Tày, Nùng, trong đó dân tộc Dao chiếm tỷ lệ 98% dân số.
Lương thực chính của đồng bào dân tộc Dao chủ yếu là gạo tẻ và gạo nếp – loại lương thực do chính họ tự tay trồng ra. Từ những hạt lúa gieo trên nương đồi sau khi thu hoạch, người Dao dùng cối xay, cối giã đạp chân để chế biến hạt thóc thành hạt gạo. Những bắp ngô sau khi thu hoạch được phơi trên gác bếp, giữ khô tạo nên mùi khói cùng màu vàng bắt mắt.
Các dịp lễ tết người Dao thường sử dụng rượu được nấu và ủ với men lá, chưng cất từ cây lương thực như lúa, ngô, hạt kê tiếng (si shán). Cùng với đó là món xôi nhiều màu, từ đỏ, xanh, tím, vàng đến trắng… mỗi món xôi được sử dụng lá cây nhuộm màu làm nên hương vị và màu sắc đẹp mắt.
Văn hóa Người Dao ở Mẫu Sơn vẫn lưu giữ vẹn nguyên nét đẹp truyền thống trường tồn theo thời gian. Đặc sắc nhất có thể nói đến trang phục của người phụ nữ Dao Lù Gang, mang nét độc đáo rất riêng bởi những sắc màu sặc sỡ cực kì thu hút. Quần áo Dao được thêu bằng sợi chỉ màu, những hoạ tiết chủ yếu như hình con chim, cây thông được thêu một cách dứt khoát và khéo léo.
Trang phục đàn ông người Dao lại đơn giản hơn nhiều, áo thường là màu đen, có đính các tua chỉ ngũ sắc để trang trí. Quần ống rộng buộc néo bằng sợi dây gai có đồng xu để giữ. Đầu đội khăn xếp hoặc đơn giản hơn thì buộc một chiếc khăn mặt to trông rất khoẻ khoắn.
Phong tục cưới của người Dao ở Mẫu Sơn rất đặc biệt, họ quan niệm mọi điều tốt lành nhất đều bắt đầu khi ông mặt trời còn chưa thức dậy. Giờ cô dâu khởi hành, bước ra khỏi nhà và bước vào nhà chồng nằm trong những nghi lễ quan trọng và giờ giấc phụ thuộc vào thầy cúng. Xưa kia trai gái người Dao thường được dựng vợ gả chồng trước tuổi hai mươi. Nay việc kết hôn đã được thực hiện đúng độ tuổi mà Luật hôn nhân qui định như các dân tộc khác.
Cưới xin của người Dao rất đa dạng, có nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Các nghi lễ chính của một đám cưới thường gồm: Lễ dạm hỏi (nải nham), lễ trao lộc mệnh (tờ giấy ghi ngày, tháng, năm sinh của đôi trai gái để so tuổi xem có hợp nhau không), lễ thoả thuận cam kết và lễ cưới.
Bàn thờ tổ tiên gọi là hùng lầu đặt ở gian giữa ngôi nhà. Đó là nơi tôn nghiêm, phụ nữ và con dâu ít khi được đến gần. Khi có lễ tết, cúng giỗ, chủ nhà khấn mời tổ tiên từ Dương Châu trở về chứng giám lễ của con cháu. Việc thờ cúng tổ tiên còn thể hiện qua nhiều nghi lễ như tang ma, tảo mộ, cúng rằm tháng bẩy, cúng tết nguyên đán, cúng dâng cơm mới…
Người Dao vốn là dân cư làm nương rẫy và làm ruộng nên các lễ cúng rất phong phú, như lễ cúng vào ngày tra lúa nương đầu tiên chẳng hạn. Đây là nghi lễ quan trọng, chỉ sau người ta tiến hành nghi lễ cúng gia tiên, Thần nông để cầu mong Thần nông phù hộ cho mùa màng tươi tốt. Lễ cơm mới tổ chức sau vụ thu hoạch để tạ ơn tổ tiên, để Thần nông phù hộ cho mùa màng bội thu. Sau khi gặt xong, người Dao cúng hồn lúa, có nghi thức thu hồn lúa vào bông lúa ngắt đầu tiên, sau đó bông lúa ấy được đặt vào giữa kho đựng thóc lúa.
Đào Thúy – Sơn Tùng