Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 do công ty tư vấn BCG (Mỹ) giới thiệu, Thanh Hóa đưa ra 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng, đô thị.
Đến 2030, tỉnh đặt mục tiêu tăng tổng GDP từ 3% của kinh tế Việt Nam hiện nay lên 8%; thu hút 30 triệu lượt du khách; tổng GRDP đạt 50 tỷ USD; chỉ số GRDP bình quân đầu người là 11.000 USD/người.
Chia sẻ kinh nghiệm của nhà đầu tư trong nước lớn nhất tại Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, FLC Faros cho biết, dự án FLC Sầm Sơn – nơi diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay, có thể được xem là một minh chứng sống động cho thành công của tỉnh Thanh Hóa trong việc tạo ra môi trường hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoài nước.
“FLC Sầm Sơn đã góp phần thay đổi diện mạo du lịch của Sầm Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung, với lượng du khách đến Sầm Sơn tăng đột biến trong năm 2016, đạt hơn 4 triệu lượt người, giải quyết công việc cho hơn 3.000 lao động địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách”, ông Trịnh Văn Quyết nói.
Thủ tướng nói, Thanh Hóa cần tối ưu hóa điều kiện, nền tảng sẵn có để phát triển một số cụm ngành kinh tế mà Thanh Hóa có lợi thế như lọc hóa dầu, chế biến thủy hải sản, du lịch… Ông cũng lưu ý, Thanh Hóa cần nghiên cứu phát triển nông nghiệp theo định hướng công nghệ cao, quy mô lớn, tập trung vào các sản phẩm mang giá trị kinh tế cao…
Đồng thời, cần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khi mà Thanh Hóa có nhiều di sản văn hóa, như thành nhà Hồ, khu di tích lịch sử Lam Kinh, khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng… “Du lịch nghỉ dưỡng là một lợi thế mà FLC đặc biệt thành công ở đây”, Thủ tướng nói..
“Với quyết tâm đổi mới tư duy và cách làm, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công, không những thành công ở phía Đông ven biển của Thanh Hóa, đồng bằng Thanh Hóa, mà còn thành công ở phía Tây rộng lớn của Thanh Hóa, để đời sống của người dân nâng lên một mức mới”, Thủ tướng Chính phủ kết luận.