BVR&MT – Năm con Chuột đầy biến động sắp trôi qua, chúng ta lại chuẩn bị đón Tết con Trâu sắp đến. Trong 12 con giáp, con trâu là con vật gần gũi nhất với người nông dân, trở thành một biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
Con trâu còn được gọi với nhiều tên khác nhau đó là: Sửu, Ngưu, Nghé (trâu con)… là vật nuôi xuất hiện tại các vùng Đông Á, Nam Á và vùng Đông Nam Á. Trâu xuất hiện và gắn bó với người nông dân Việt Nam từ rất lâu đời, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người dân, là biểu trưng cho sức khỏe dồi dào, thể hiện sự phát triển nền nông nghiệp lúa nước lâu đời. Bên cạnh đó, khi nhắc đến hình tượng con trâu, chúng ta thường nghĩ ngay tới khung cảnh làng quê Việt Nam thanh bình, yên ả, trâu cũng giống như người bạn gần gũi với con người, đặc biệt là người nông dân.
Hình tượng gắn liền với làng quê Việt
Hình tượng con trâu gắn liền với nền văn minh lúa nước hào hùng của đất nước Việt Nam. Trâu theo người nông dân ra đồng cày ruộng, cùng tham gia sản xuất với bà con, trâu đẵm mình dưới nước giữa những buổi trưa hè… Đó chính là hình ảnh quen thuộc, mộc mạc, giản dị thanh bình của làng quê Việt Nam. Nó đại diện cho tính cách hiền lành, chịu thương chịu khó, biểu tượng cho sức khỏe, sự thật thà, chất phác.
Trong cuộc sống người Việt, con trâu và cây lúa gắn với nhau từ thời hoang dại cũng như từ lúc được con người thuần dưỡng. Trâu giúp người dân cày cấy, sản xuất, trâu kéo gỗ, kéo cày, trâu đánh giặc giữ nước….Trong tín ngưỡng nông nghiệp, hình ảnh con trâu còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm, biểu tượng của nước trong trong tín ngưỡng nông nghiệp. Trong kinh nghiệm sản xuất, vào thời khắc đón giao thừa, xưa kia người dân còn đốt pháo. Ở thời điểm thiêng liêng ấy người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không.
Thêm nữa, hình tượng con trâu gần gũi với người dân bằng câu thành ngữ quen thuộc “Con trâu là đầu cơ nghiệp” ý chỉ vai trò của trâu trong nông nghiệp thời bấy giờ thực sự rất quan trọng. Người nông dân muốn làm ra của để thì cần phải có con trâu luôn đồng hành trong công việc nhà nông để phụ trách những công việc nặng nhọc.
Linh vật được tôn sùng trong tín ngưỡng dân gian
Trâu được liệt kê vào hàng 12 con giáp, trong đó là con giáp thứ 2 sau sau Tý và cũng là con vật đứng đầu lục súc bao gồm: Sửu, Tuất, Ngọ, Dê, Kê, Hợi. Được con người tôn dùng, trâu trở thành con vật dùng để dâng lên các vị thần thánh. Ở Việt Nam ta từ thời xa xưa đã có tục lệ dùng trâu để tế lễ trong những dịp lễ hội truyền thống và dịp năm mới, có thể kể tới như: Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam) là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội; Tục tế trâu, thờ trâu trong hội làng Phú Khê (Tân Yên – Bắc Giang); Lễ hội Xên Mường của người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu, Thuận Châu (Sơn La) được tổ chức vào cuối tháng Giêng mừng năm mới; Lễ hội đâm trâu của người Ê đê, lễ hội đâm trâu của người Ba Na thể hiện lòng tôn kính của người dân với trời đất đã phù hộ cho họ một mùa rẫy ấm no, bội thu… Điều đó càng thể hiện rõ vai trò và tầm quan trọng của con trâu trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người dân. Nói lên niềm tin của người dân vào một tương lai đầy đủ ấm no, đó cũng chính là niềm hy vọng của họ vào một cuộc đời sung túc.
Hình ảnh con trâu xuất hiện trong nhiều khía cạnh của đời sống
Không chỉ từ thời xa xưa mà còn tồn tại tới ngày nay, hình ảnh con trâu cũng vẫn luôn xuất hiện trong rất nhiều mặt của cuộc sống với ý nghĩa sâu sắc. Ở nhiều đình chùa, các nghệ nhân cũng có tạc, điêu khắc, chạm khắc tượng trâu bằng nhiều chất liệu, chẳng hạn như tượng trâu được tạc bằng đá xuất hiện ở ngôi chùa Kim Ngưu ở Bắc Ninh.
Hình tượng con trâu cũng đi vào kiến trúc xây dựng nhà cửa, trong đó, có người Sán Chay có xây nhà theo hình một con trâu thần. Ngoài ra, những người dân tộc khác cũng coi trọng hình tượng con trâu và đều coi trâu là con vật linh thiêng, có nơi thờ tụng rất chu đáo và đối với trâu như một thành viên trong gia đình.
Con trâu được chọn làm linh vật của Sea Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003. Ban tổ chức đã thuyết minh về linh vật như sau: “Biểu tượng vui của SEA GAMES 22 được đặt tên là Trâu Vàng. Với bản chất hiền lành, hòa đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Trâu Vàng (còn gọi là Kim Ngưu) gắn với ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt”.
Quỳnh Anh