BVR&MT – Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Hải Dương, Quảng Ninh đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản trên địa bàn hai tỉnh. Bộ NN&PTNT cho rằng, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ phí vận chuyển và có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa.
Lưu thông nông sản gặp khó khăn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện nay, các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đã áp dụng biện pháp kiểm soát dịch nên hoạt động buôn bán khó khăn hơn, giá không cao nhưng sức mua giảm.
Việc vận chuyển hàng hóa từ trong tỉnh ra ngoài tỉnh tiêu thụ gặp khó do các tỉnh lân cận áp dụng biện pháp kiểm soát chặt để ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19. Đây là điều khiến cho việc vận chuyển hàng hóa của Hải Dương, Quảng Ninh đi các tỉnh rất khó khăn.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ nông sản chính của Hải Dương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng su hào, bắp cải, rau ăn lá, ổi, cam, chuối… của Hải Dương), tuy nhiên, các địa phương này đang cấm tất cả các phương tiện và người Hải Dương vận chuyển hàng hóa, đi vào địa bàn, do vậy, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ và người tiêu dùng có tâm lý e ngại, không muốn sử dụng các sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương và tiếp xúc với người Hải Dương. Thêm nữa, các doanh nghiệp tiêu thụ, thương lái của tỉnh khác không muốn đến Hải Dương để thu mua nông sản vì lo ngại vùng dịch và phải cách ly khi quay về.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện việc lưu thông hàng hóa qua một số tuyến đường gặp khó khăn (đặc biệt hàng hóa qua Chí Linh đi Bắc Ninh, Bắc Giang). Lái xe tìm cung đường khác để đưa hàng hóa đi tiêu thụ nên tăng chi phí vận chuyển. Do vậy, nhiều công ty, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc cắt giảm sản lượng tiêu thụ ở ngoài tỉnh để chờ khi hết dịch mới hoạt động bình thường trở lại.
Trong khi đó, thống kê cho thấy, hiện nay, tại Hải Dương, diện tích rau màu đang còn 7.832ha (chiếm 35%), chủ yếu là hành, tập trung ở Kinh Môn, khoảng 3.500ha, cà rốt tại Nam Sách còn 350ha, Giẩm Giàng 400ha, Chí Linh 150ha. Riêng cải bắp, su hào, súp lơ ở Gia Lộc còn khoảng 200ha, Tứ Kỳ còn khoảng 200ha, Kim Thành còn khoảng 400ha rau cải bắp su hào, súp lơ và rau ăn lá các loại.
Tại Quảng Ninh, diện tích rau màu còn lại chưa thu hoạch còn trên 2.000ha các loại gồm: khoai tây, ngô, rau các loại với sản lượng khoảng 30 nghìn tấn.
Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, qua khảo sát cho thấy, giá nông sản (rau, củ quả) bị giảm khoảng từ 10-20% so với trước khi bùng phát dịch. Trong đó, khảo sát ngày 31/1/2021 ghi nhận: giá cà rốt từ 6-5,5 nghìn đồng/kg; cải bắp 4 nghìn đồng/kg, súp lơ 4-5 nghìn đồng/cái, su hào 2-5 nghìn đồng/củ, hành 9,5 nghìn đồng/kg,…
Gỡ khó cho nông sản vùng dịch
Bộ NN&PTNT nhận định, tác động của dịch COVID-19 sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp của một số gia đình trong vùng dịch. Trong đó, với những gia đình thuộc diện F1 phải cách ly tập trung, sẽ bị ảnh hưởng lớn do không có ai chăm sóc, thu hoạch.
Về vấn đề tiêu thụ nông sản, khó khăn nhất là các mặt hàng về cà rốt, khoai tây, vì đây là những loại nông sản có sản lượng lớn, mức độ tiêu thụ trong tỉnh, trong nước không được nhiều, chỉ chiếm 10%, chủ yếu là xuất khẩu, tới 90%. Tuy nhiên, kho bảo quản trong tỉnh có hạn. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trước Tết Nguyên đán, Bộ NN&PTNT cho rằng, việc tiêu thụ cà rốt không đáng lo. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài thì đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Với nhóm rau ăn lá, sản lượng không quá lớn, phục vụ tiêu dùng trong tỉnh và một số địa phương lân cận nên không đáng lo.
Bộ NN&PTNT lưu ý, đối với các địa phương đang bị phong tỏa, cụ thể, đối với cây hành, tỏi (tại Kinh Môn, Chí Linh), thời điểm thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán để giải phóng đất cấy lúa, cần ưu tiên thu hoạch và bảo quản tại nông hộ để chờ tiêu thụ khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Với các loại rau, màu cần tiêu thụ ngay, ưu tiên tiêu thụ các cơ sở thu mua, chế biến và tiêu thụ trong tỉnh như: siêu thị, nhà máy chế biến, chợ. Đối với cây cà rốt, thu hoạch từ nay đến cuối tháng 3 năm 2021, với những diện tích củ còn nhỏ, khuyến khích giữ lại ruộng, tiếp tục chăm sóc để chờ tiêu thụ khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Với những diện tích đã đến kỳ thu hoạch, chú ý tiêu thụ tại các doanh nghiệp trong tỉnh (các nhà máy tập trung ở Cẩm Giàng, Gia Lộc). Sau khi sơ chế, đóng gói, mang đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Khi vận chuyển ra ngoài tỉnh, phải có phương án chuyển tải hoặc đổi lái (ở khu vực cửa ngõ tỉnh) và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Ngoài ra, đối với các nhóm rau, củ, quả khác, ưu tiên tiêu thụ tại chợ và các bếp ăn công nghiệp, các khu cách ly tập trung, các nhà máy, trang trại trên địa bàn. Nếu cần thiết vận chuyển ra ngoài khu cách ly hoặc ngoài tỉnh, phải có phương án chuyển tải hoặc đổi lái (ở khu vực cửa ngõ tỉnh) và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Để gỡ khó cho tiêu thụ nông sản tại các vùng đang bị phong tỏa, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh cần có chính sách hỗ trợ phí vận chuyển và có văn bản chỉ đạo các ngành có liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và đề nghị các tỉnh lân cận Hải Dương, Quảng Ninh như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định… tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Hải Dương được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ. Trong đó, đề nghị các địa phương chỉ đạo lái xe và các đơn vị vận tải trên địa bàn áp dụng nghiêm các biện pháp phòng dịch khi vận chuyển hàng hóa ra ngoài tỉnh để tiêu thụ. Đồng thời, đề nghị ngành Y tế ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ và có giấy xác nhận (3-5 ngày/lần) để các lái xe có thể lái xe, vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ưu tiên thu mua, tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương trên địa bàn. Hạn chế tối đa việc nhập hàng hóa nông sản ngoài tỉnh đưa vào địa bàn tiêu thụ. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần phát động phát động đoàn thể, nhân dân hỗ trợ các gia đình có người bị cách ly để chăm sóc và thu hoạch rau màu khi đã đến kỳ thu hoạch./.