Quyết tâm thực hiện thắng lợi Tết trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng năm 2021

BVR&MT – Cách đây 62 năm, ngày 28 tháng 11 năm 1959 Bác Hồ đã chính thức kêu gọi toàn thể Quốc dân đồng bào thực hiện “Tết trồng cây” Bác nói: “Muốn làm nhà cửa tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ rầy, dăm năm sau nữa sẽ bắt tay dựng nhà”. Lời Bác dạy năm xưa, nay đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong lòng người dân Thanh Hóa và nhân dân cả nước.

Đã liên tục 62 năm thực hiện “Tết trồng cây” làm theo lời Bác dạy và đã thu được nhiều kết quả to lớn, góp phàn quan trọng đưa diện tích rừng trồng, đạt hơn 258.829 ha và hàng chục triệu cây trồng phân tán các loại. Được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, cán bộ, bộ đội và nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa đã sôi nổi thực hiện tết trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng. Riêng năm 2020, toàn tỉnh đã trồng được 10.300 ha rừng tập trung và 1.067.000 cây phân tán các loại, đưa diện tích rừng toàn tỉnh (bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng) đạt 603.807 ha, độ che phủ = 53,46%, chiếm tỷ lệ cao so với toàn quốc, tạo nên một thảm thực vật mầu xanh góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, chống sói mòn, đất đai vùng đất dốc các huyện Trung du miền núi trong tỉnh, ứng phó và giảm thiểu tác hại đang ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, thiên tai hạn hán và lũ lụt, sạt lở đồi núi, đất đai và gây ra nhiều thảm họa khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh trồng cây lưu niệm tại khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam kinh-Thọ Xuân – Thanh Hóa năm 2019.

Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho các hoạt động trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng hàng năm của nhân dân ta, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững của đất nước và của tỉnh nhà trong thời kỳ mới. Tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn hán… gây nhiều hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản của nhân dân, đang đặt ra yêu cầu bức súc cho toàn Đảng, toàn dân ra sức thực hiện bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng làm theo lời dạy của Bác Hồ, Ngày 31 tháng 12 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 45/CT/TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021, tạo khí thế sôi nổi mạnh mẽ và hiệu quả cao về phát triển ngành Lâm nghiệp trong thời kỷ mới nhằm phát huy kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, khắc phục những tồn tại và yếu kém, đồng thời chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của Tết Tân Sửu năm 2021,Thanh Hóa cùng với cả nước chung tay góp sức thực hiện mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh trong thời gian 5 năm (2021 – 2025) theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra và yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện mạnh mẽ, chất lượng và hiệu quả cao của Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.Mục tiêu của Tết trồng cây Xuân Tân Sửu năm 2021 do Thủ tướng Chính phủ đề ra là phải đạt kết quả cao gấp 1,5 lần so với kết quả trồng cây năm 2020 và từ năm 2022 đến 2025 phải đạt kết quả gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.

Với mục tiêu và ý nghĩa to lớn của Tết trồng cây xuân Tân Sửu năm 2021, thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đề ra kế hoạch cụ thể về tổ chức Tết trồng cây Xuân Tân Sửu cụ thể đến từng cơ sở trong tỉnh. Để tạo khí thế sôi nổi và hiệu quả cao của phong trào ngay từ ngày đầu ra quân trồng cây năm 2021, tất cả các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, ban nhành và các xã trong tỉnh thống nhất đồng loạt tổ chức lễ phát động và ra quân trồng cây bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 18 tháng 2 năm 2021 (tức ngày mùng 7 tháng giêng năm Tân Sửu). Mỗi người tham gia tết trồng cây phải trồng được ít nhất 15 cây trở lên. Mục tiêu phấn đấu của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo kế hoạch chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh phải đạt được 1.500.000 cây các loại trở lên: Các loại cây trồng chủ yếu là Lộc vừng, Xà cừ, Bồ đề, Sấu, Muồng, Bàng Đài Loan, Sao đen, Lát hoa, Long não, Quế, Lim xanh, Sưa, Giổi ăn hạt, Phi lao ven biển, Cây trồng phải phù hợp với đất đai và địa điểm để phát huy hiệu quả về kinh tế, cảnh quan và môi trường. Để đạt tỷ lệ sống và hiệu quả cao, sau khi trồng cần phải có kế hoạch, biện pháp chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo đủ độ ẩm, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Trồng cây nào phải sống tốt cây ấy” .

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tham gia Tết trồng cây Xuân Canh Tý năm 2020.

Tăng cường các giải pháp hoạt động phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về Lâm nghiệp, luật về Bảo vệ môi trường, bảo đảm các quy định của pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức, đồng lòng, tham gia trồng cây, trồng rừng và chăm sóc, bảo vệ rừng, phát hiện và xử lý nghiêm khắc mọi hành vi khai thác trái phép và xâm phạm tài nguyên rừng.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Các địa phương trong tỉnh chỉ đạo thực hiện kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2021 và cả giai đoạn 2021- 2025. Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, ưu tiên lựa chọn các loài cây bản địa, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt; quản lý suốt quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Tổ chức thực hiện Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Thời điểm trồng cây, trồng rừng phải phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng vùng sinh thái để đảm bảo sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt; tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình tốt.

Cùng với việc tổ chức thực hiện Tết trồng cây, trồng rừng năm năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương từng địa phương có kế hoạch thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân; tập trung ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khác, khu dân cư tập trung, khu văn hóa – lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp…. Chỉ tiêu này không bao gồm cây trồng rừng thay thế và cây trồng rừng tái sinh sau khai thác gỗ. Ưu tiên lựa chọn loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu, gắn với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Hằng năm, tổ chức giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết vướng mắc, nhân rộng mô hình tốt, đảm bảo thực hiện thành công chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong toàn quốc.

Việc tổ chức thực hiện phải đồng bộ với các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt, phá rừng trái pháp luật, nhất là trong mùa khô hanh, nắng nóng, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

Khương Bá Tuân (Hội Lâm nghiệp Thanh Hóa)