BVR&MT – Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Sinavav Souphanouvong từng tuyên bố Lào vẫn quyết tâm xây 4 đập gây tranh cãi trên dòng chính sông Mê Kông dù nhiều bằng chứng chỉ ra thiệt hại tiềm tàng từ hoạt động này đối với các nước hạ nguồn. Không ít ý kiến lo ngại chi phí và cạnh tranh từ năng lượng tái tạo có thể khiến Lào gặp khó khăn nếu tiếp tục theo đuổi quyết sách này.
Bốn con đập nằm ở Pak Beng, Luang Prabang, Pak Lay và Sanakham – những nơi giới chức Lào hy vọng tận dụng được nhu cầu điện từ bên kia biên giới Thái Lan. Đập thứ năm xây tại Xayaburi và bắt đầu vận hành từ cuối năm 2019.
Tuy nhiên, lời biện minh rằng chuỗi đập sẽ biến Lào thành “cục pin của châu Á” và đảm bảo tương lai tài chính của nước này thông qua thủy điện và bán điện ra nước ngoài đang mất dần sức hút. Năm ngoái, chính phủ Lào buộc phải nhường quyền kiểm soát lưới điện cho China Southern Power Grid Co vì dự trữ ngoại hối giảm xuống còn dưới 1 tỷ USD trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
Thái Lan cũng đánh tín hiệu rằng nhiều khả năng không mua hết điện từ Lào sản xuất và sự cạnh tranh có thể đến từ Australia trong thập kỷ tới.
Đây là thông tin rất tệ với Lào bởi cụm 5 con đập xung quanh Xayaburi dự kiến tiêu tốn 12,5 tỷ đô la (trong khi GDP của Lào chỉ khoảng 18 tỷ đô la) với phần lớn nguồn tiền được vay từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc và cuối cùng sẽ do những người dân Lào bình thường chi trả.
Lào liên tục né tránh giới kinh doanh phương Tây để ưu tiên cho các nhà phát triển Trung Quốc cùng chí hướng và không mảy may để tâm đến những lo ngại về môi trường, tài chính. Viêng Chăn cũng không chú trọng đến những thay đổi không thể tránh khỏi trong thị trường điện.
Trong khi đó, ở miền bắc Australia, trang trại điện mặt trời lớn nhất thế giới đang được xây dựng với chi phí 15 tỷ đô la trên diện tích 10.000 km2 thuộc sở hữu của gia đình Packer. Việc xây dựng sẽ bắt đầu vào năm 2023 và dự kiến sản xuất năng lượng vào năm 2026 để xuất khẩu sang Singapore vào năm 2027.
Điện mặt trời sạch, đúng đắn về mặt chính trị là một lựa chọn hiển nhiên và dễ dàng cho những người tiêu dùng lo ngại về tác hại môi trường thường liên quan đến nhiên liệu hóa thạch và xây dựng đập.
Một tuyến cáp ngầm dưới biển sẽ truyền tải điện vượt khoảng cách 3.350 km từ Darwin đến Singapore. Tiếp đó sẽ liên kết với Đông Nam Á lục địa thông qua Malaysia và sang Thái Lan – nơi mối quan tâm về số phận sông Mê Kông đang tăng theo nhiều hướng khác nhau.
Ủy hội sông Mê Kông đang rất quan tâm đến lượng phù sa khổng lồ bị cụm 5 con đập giữ lại và việc thiếu trầm tích bổ sung dọc theo bờ sông đang gây tổn hại và có thể làm thay đổi dòng chảy sông.
Thái Lan và Lào có chung 850 km đường biên giới dọc theo sông Mê Kông và bất kỳ sự thay đổi nào trong dòng chảy sông cũng sẽ dẫn đến tổn thất hoặc có thêm lãnh thổ cho cả hai bên, từ đó làm tăng khả năng xảy ra tranh chấp biên giới ngoài dự kiến.
Souphanouvong cũng cho biết Lào hiện có 78 con đập đã đi vào hoạt động và có khả năng sản xuất 9.972 MW điện, đồng thời sẽ có thêm 100 con đập được xây dựng vào năm 2030. Nhiều con đập trong số đó chảy trực tiếp vào sông Mê Kông.
Nếu Thái Lan mất đất do thay đổi dòng chảy của sông Mê Kông thì việc bán điện từ Lào sẽ bị phản đối và các nguồn thay thế được hoan nghênh. Những nước khác cũng có thể làm tương tự và Lào nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn.
Thế Anh (Theo Diplomat)