BVR&MT – Ngày 17/1, Ðoàn công tác tỉnh Ninh Bình đến thăm và tặng quà hỗ trợ nhân dân tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế mỗi tỉnh một tỷ đồng khắc phục hậu quả bão lũ.
* Tỉnh Quảng Bình vừa ban hành quyết định về việc phân bổ kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt cho 134 hộ nghèo ven biển. Cụ thể, UBND tỉnh phân bổ 1.850 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo các huyện: Tuyên Hóa 1.668 triệu đồng, Lệ Thủy 60 triệu đồng; Quảng Ninh 72 triệu đồng; Quảng Trạch 14 triệu đồng, Bố Trạch 12 triệu đồng; thị xã Ba Ðồn 24 triệu đồng.
* Sau các trận bão lũ năm 2020, tỉnh Quảng Nam có gần 45 nghìn ngôi nhà bị hư hại, cần được sửa chữa, trong đó có 740 nhà hư hại hoàn toàn, 1.524 nhà bị thiệt hại nặng từ 50 đến 70%. Ngay sau bão lũ, tỉnh đã khẩn trương vào cuộc, làm nhà ở tạm cho người dân ở vùng sạt lở núi, đồng bào các dân tộc thiểu số. Ðến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phân bổ 57 tỷ đồng đến các địa phương để giúp người dân khắc phục thiệt hại. Trong đó, hỗ trợ gần 23 tỷ đồng xây dựng 572 nhà ở mới, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà; hỗ trợ hơn 25,7 tỷ đồng sửa chữa gần 2.400 ngôi nhà, mức hỗ trợ bình quân 11 triệu đồng/nhà.
* Tổ chức phi chính phủ Vinacapital Foundation (VCF) của Mỹ tại Việt Nam phối hợp Bệnh viện Hoàn Mỹ (Ðà Nẵng) tổ chức khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã Trà Leng và xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Dự kiến, từ nay đến hết quý I-2021, VCF sẽ phối hợp các y, bác sĩ của Bệnh viện Hoàn Mỹ tổ chức khám cho người dân của 10 xã trên địa bàn huyện Nam Trà My. Ðồng thời hỗ trợ hệ thống lọc nước, mua sắm các trang thiết bị y tế bị hư hỏng do thiên tai gây ra, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ của 11 cơ sở y tế trên địa bàn huyện. Toàn bộ kinh phí hơn 4,8 tỷ đồng.
* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2020, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đã xuất hiện tại 44 huyện của 17 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc bị mắc bệnh là 1.534 con, trong đó, có 219 con trâu, bò đã chết, buộc phải tiêu hủy. Trong các tuần đầu của năm 2021, dịch bệnh VDNC tiếp tục xảy ra tại 15 xã của bốn tỉnh. Tổng số gia súc mắc bệnh là 41 con; trong đó, số bị chết, phải tiêu hủy là 15 con. Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ ba doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp 50 nghìn liều vắc-xin. Khoảng một triệu liều vắc-xin VDNC cũng đang tiếp tục được nhập về Việt Nam…
* Tại tỉnh Hà Tĩnh, bệnh VDNC đã xuất hiện tại 12 xã, thị trấn của bốn huyện: Lộc Hà, Thạch Hà, Hương Khê và Cẩm Xuyên, với hơn 150 con bò bị bệnh. Ðây là loại dịch bệnh lần đầu xuất hiện ở địa phương nên chưa có phác đồ điều trị cụ thể, gây khó khăn, lúng túng trong phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, thời tiết rét đậm kèm mưa ẩm kéo dài làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, khiến dịch bệnh dễ dàng xâm nhập và lây lan nhanh. Dự kiến trong tháng 1, tỉnh sẽ triển khai tiêm phòng thử nghiệm 5.000 liều vắc-xin bệnh VDNC trên trâu, bò.
* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, bệnh VDNC trên trâu, bò đã xuất hiện ở tỉnh Hà Tĩnh và có nguy cơ lây lan sang Quảng Bình. Ðể phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, Chi cục đang phối hợp UBND các huyện kiên quyết xử lý dứt điểm các ổ dịch tả lợn châu Phi; rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm ít nhất 80% tổng đàn thuộc diện tiêm. Chi cục đã cấp phát 20 nghìn lít hóa chất Benkocid, 20 tấn Chlorine và 6.800 lít hóa chất cho các địa phương để phun khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh.
* Ngày 17/1, ngay khi có kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng 2 (Cục Thú y) về việc cả ba mẫu gia cầm tại thôn 1, xã Quảng Phong, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) dương tính với vi-rút cúm A/H5N6, huyện Hải Hà đã chỉ đạo ngành chức năng và xã Quảng Phong tập trung xử lý ổ dịch. Theo đó, xã Quảng Phong lập tức khoanh vùng dập dịch. Toàn bộ 2.450 con gia cầm bị tiêu hủy theo quy định.
* Tại tỉnh Kiên Giang, hơn 8.910 ha lúa đông xuân và lúa mùa đang bị nhiễm sâu bệnh. Các đối tượng gây hại gồm: đạo ôn lá, lem lép hạt, cháy bìa lá, bù lạch, sâu cuốn lá, đạo ôn cổ bông, rầy nâu, ốc bươu vàng, muỗi hành, sâu keo, sâu phao, chuột… Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ hiệu quả, bảo vệ lúa. Thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm sâu bệnh để phòng trị kịp thời, hiệu quả; sử dụng các loại thuốc đặc trị phun theo nguyên tắc “4 đúng”.
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, ngày 17/1, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, rét hại, với nhiệt độ thấp nhất 8 đến 11ºC, vùng núi 4 đến 7ºC, vùng núi cao có nơi dưới 0ºC và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết; ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14 đến 18ºC; Tây Nguyên đêm và sáng trời rét. Từ đêm nay (18/1) Nam Trung Bộ và Nam Bộ trời lạnh về đêm và sáng sớm.
* Ðể bảo đảm an toàn giao thông trong điều kiện thời tiết xấu, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo người tham gia giao thông, nhất là khi di chuyển trên những cung đường miền núi phía bắc nên cẩn trọng và thực hiện kiểm tra xe trước khi khởi hành. Khi di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu, sương mù che khuất tầm nhìn, cần bật toàn bộ đèn chiếu sáng, giảm tốc độ, chú ý quan sát, di chuyển với tốc độ thấp, số thấp cả khi lên và xuống đèo, dốc. Trên những đoạn đường cong cua, đường đèo dốc, do mặt đường hẹp, khả năng trơn trượt cao, phải đặc biệt chú ý không được vượt xe, nhất là vượt những xe khách, xe tải dài, xe công-ten-nơ.
* Tại tỉnh Lào Cai, dự báo, nhiệt độ tại thị xã Sa Pa sẽ giảm còn 1 đến 3ºC. Theo tính toán, các khu vực núi ở xã Y Tý (Bát Xát), dãy núi Hoàng Liên Sơn, nơi có độ cao từ 2.200 m trở lên khả năng cao xảy ra mưa tuyết hoặc băng giá, sau là sương muối. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tuyên truyền, đôn đốc nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, tránh rét cho người, cây trồng, vật nuôi; trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ sức khỏe cho người già, trẻ em; công tác dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho gia súc, gia cầm.