BVR&MT – Đồng chí Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho biết, đối với Chương trình tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ huyện đang tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã đặt ra quyết tâm kết thúc năm 2025 đưa địa phương ra khỏi tình trạng kém phát triển. Một trong số chương trình trọng điểm là phát triển một số sản phẩm nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đây là một nhiệm vụ rất khó vì 12/14 xã của huyện thuộc diện xã đặc biệt khó khăn.
Mường Tè là huyện vùng cao, biên giới, có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 61,55% xuống còn 31,4%, bình quân giảm 6%/năm. Thu nhập bình quân đạt 23,85 triệu đồng/người/năm. Các chỉ tiêu này đều vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2016 – 2020 đề ra. Đáng mừng là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đơn cử như đối với dân tộc La Hủ, từ chỗ sống biệt lập nơi vùng sâu, vùng xa, nghèo khó 100% thì nay cũng đã có 28,4% số hộ đã thoát nghèo.
Do nông, lâm nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế nên luôn được Đảng bộ huyện quan tâm chú trọng, nhưng trên cơ sở phải đặt ở tầm cao mới, yêu cầu mới so với nhiệm kỳ trước. Về vấn đề này, đồng chí Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè cho biết, đối với Chương trình tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ huyện đang tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Việc tái cơ cấu phải đạt được 2 mục tiêu đó là đạt tổng sản lượng lương thực cây có hạt trên 17.400 tấn để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa, đồng thời tạo các vùng sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao trên diện tích lúa 1 vụ. Đối với nhiệm vụ sản xuất lương thực, đồng bào các dân tộc trong huyện đã đưa nhiều giống ngô, lúa có chất lượng cao như PC6, Thiên Ưu 8, Hương Thơm số 1, MX 10… vào gieo trồng, đồng thời tích cực chuyển đổi sang trồng 2 vụ nên năng suất đạt khá cao, bình quân từ 30 – 43 tạ/ha ngô, một số xã như Ka Lăng, Thu Lũm đạt năng suất 50 tạ/ha lúa.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phạm Xuân Diệu cho biết, Mường Tè có một số cây trồng thế mạnh có giá trị kinh tế cao như: thảo quả, sa nhân tím, ớt Trung đoàn, sâm, cây Thất diệp nhất chi hoa tại các xã biên giới, vùng cao; đặc sản khoai sọ Nậm Khao, Kan Hồ; các loại cây ăn quả xoài, bưởi ở các xã Bum Nưa, Vàng San, Mường Tè, cây mận tại xã Tà Tổng. Mường Tè hiện đã phát triển được diện tích trên 8.500 ha cây ăn quả, cây dược liệu, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Chủ trương của địa phương là tập trung phát triển các loại cây thế mạnh này theo hướng mỗi xã một sản phẩm để tạo vùng nguyên liệu đặc sản cung cấp cho thị trường. Về phát triển chăn nuôi, huyện quy hoạch vùng nuôi lợn tập trung tại các xã Bum Nưa, Vàng San; nuôi gà, cá lồng tại xã Kan Hồ. Vận động nhân dân chuyển đổi chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình liên trang trại liên kết nhóm hộ với doanh nghiệp.
Là huyện vùng cao, Mường Tè có thế mạnh về lâm nghiệp. Hiện nay, huyện đã đạt độ che phủ rừng trên 65%. Định hướng của huyện là phấn đấu đến hết năm 2025, nâng độ che phủ rừng lên 65,5%. Tuy nhiên, đối với những xã biên giới có độ cao 1.500m trở lên sẽ chuyển hướng sang trồng cây dược liệu gắn với bảo vệ phát triển rừng nhằm giúp người dân có sinh kế từ rừng, đồng thời nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên đạt 32 triệu đồng/người/năm. Tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có đồng thời trồng mới 1.000 ha quế, 1.000 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh 20.000 ha rừng để bảo vệ an ninh biên giới và giữ gìn sinh thủy đầu nguồn.
So với tỷ lệ độ che phủ rừng chung của toàn huyện thì xã Bum Tở đạt thấp hơn, mới chỉ 54,05%. Do đó, phát triển lâm nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong năm 2021 và cả nhiệm kỳ 2021 – 2025. Theo Chủ tịch UBND xã Bum Tở Vàng Hu Chờ cho biết, trên địa bàn xã Bum Tở hiện đã có 850 hộ tham gia bảo vệ và phát triển rừng với kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng là trên 8,5 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ được 10 triệu đồng/năm. Số tiền này tuy chưa phải là lớn nhưng là nguồn động viên đồng bào các dân tộc giữ rừng. Vì thế trong năm 2020, trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép và không để xảy ra cháy rừng. Cùng với việc nhận khoán bảo vệ rừng, đồng bào các dân tộc xã Bum Tở còn tập trung trồng rừng kinh tế với cây trồng chủ lực là quế theo định hướng của huyện. Năm vừa qua, người dân nơi đây đã trồng mới gần 115ha quế, vượt kế hoạch giao 15% đã cho thấy sự đồng thuận, ủng hộ của người dân với chủ trương, định hướng phát triển lâm nghiệp của địa phương.
Những nỗ lực của Mường Tè đã góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà, cải thiện tích cực điều kiện môi trường sinh thái và phòng chống thiên tai, chống xói mòn đất và hạn hán. Nhờ có diện tích rừng lớn và sinh thủy đầu nguồn dồi dào nên Mường Tè có tiềm năng thu hút đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ, đi kèm với đó là tiềm năng du lịch lòng hồ rất lớn. Lợi ích thiết thực dễ nhận thấy nhất là sự cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động thông qua công tác di dân, tái định cư gắn với quy hoạch phát triển cùng cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các vùng nuôi trồng thủy sản trên các khu tái định cư thủy điện…
Phát huy tiềm năng quý này, Mường Tè hiện đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 34 dự án thủy điện, với tổng công suất 710MW. Các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã cung cấp trên 60 triệu Kw/h phục vụ sản xuất và đời sống, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, đặc biệt là nguồn thu từ quỹ chia sẻ lợi ích từ thủy điện để đầu tư cải thiện môi trường sống cho chính những người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Nói về các giải pháp thực hiện quyết tâm thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển vào cuối nhiệm kỳ, đồng chí Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè khẳng định, huyện sẽ tiếp tục cụ thể hóa những nội dung trọng tâm, trọng điểm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện thành các chương trình, nghị quyết chuyên đề, đề án thực hiện toàn khóa. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, xác định rõ nguồn lực và lộ trình hoàn thành.
Quá trình tổ chức thực hiện sẽ được gắn chặt với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh Lai Châu. Thường xuyên bổ sung, cập nhật những chương trình, nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiến. Đề cao tinh thần chủ động, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành./.