BVR&MT – Số lượng ngày càng nhiều loài bí ẩn vẫn tồn tại ngay trước mắt chúng ta đã được tìm ra trong năm 2020, một phần là do kỹ thuật mã vạch ADN ngày càng phát triển, giúp xác định và phân biệt giữa các loài động thực vật thông qua sự khác biệt di truyền.
Việc phát hiện ra các loài mới gồm lô hội, dơi lá mũi châu Phi và tắc kè hoa có vẻ ngoài giống mắt người nhưng trên thực tế là rất nhiều loài riêng biệt đã khiến giới bảo tồn vừa xúc động vừa lo lắng. Các nhà khoa học cho biết hành tinh này giàu đa dạng sinh học hơn những gì chúng ta nghĩ và ước tính về tổng số loài có thể cao hơn nhiều dự đoán tốt nhất hiện tại là 8,7 triệu. Nhưng những khám phá ra loài bí ẩn có nghĩa là các loài thực sự có rất nhiều loài trước đây rất phổ biến, một số loài có thể đang trong tình trạng nguy cấp và cần được bảo vệ ngay lập tức.
Loài vượn cáo chuột Jonah chỉ mới được công bố với thế giới vào mùa hè 2020 nhưng đã ở bên bờ vực tuyệt chủng. Voọc Popa mới được tìm thấy ở Myanmar, trước bị nhầm lẫn với một loài khác nhưng số lượng chỉ khoảng 200 cá thể và được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp do mất sinh cảnh và nạn phá rừng.
Việc phát hiện ra những loài bí ẩn này một phần là do kỹ thuật mã vạch ADN ngày càng được áp dụng rộng rãi để xác định và phân biệt các loài động thực vật qua khác biệt về gien. Voi châu Phi, rắn nước Ấn Độ và chim Nam Mỹ nằm trong số những loài ngày càng lộ diện nhiều. Dự kiến sẽ có thêm hàng nghìn loài nữa được phát hiện trong những năm tới, từ các sinh vật sống và mẫu vật trong bảo tàng.
“Mã vạch ADN là công cụ cho phép chúng ta phát hiện sự khác biệt giữa các loài ở mức kỹ càng hơn trước đây, giống như kính hiển vi giúp chúng ta thấy được các chi tiết nhỏ của cấu trúc bề mặt mà mắt thường không thể nhìn thấy”, Brian Brown, người phụ trách côn trùng học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles chi sẻ. Theo nhà khoa học này, công cụ này cung cấp cho chúng ta cách để xác định một số sự đa dạng được nghi ngờ, nhưng chưa được khám phá trong cái mà chúng ta gọi là loài. Công cụ này cho thấy thế giới đa dạng sinh học hơn chúng ta tưởng.
Những khám phá về loài bí ẩn đầu tiên được thực hiện bằng cách sử dụng mã vạch ADN là tại khu bảo tồn Guanacaste (ACG) ở tây bắc Costa Rica, hiện là nơi có nhiều mã ADN nhất trên Trái đất. Trong một nghiên cứu “Mười loài trong một”, Giáo sư Paul Hebert (được gọi là “cha đẻ của mã vạch ADN”) cùng với các Giáo sư Daniel Janzen và Winnie Hallwachs thuộc Đại học Pennsylvania đã tiết lộ định danh thực sự của loài bướm nâu nổi tiếng Astraptes fulgerator vào năm 2004.
Loài côn trùng này từng khiến Janzen bối rối trong nhiều thập kỷ. Theo phân loài thì các mẫu sâu bướm mà nhà sinh thái học tiến hóa 81 tuổi này thu thập được trong ACG là của một loài bướm nhiệt đới phổ biến, không mấy nổi bật phân bố từ Texas đến miền bắc Argentina. Nhưng ông không tin điều đó.
Janzen luôn cảm thấy bối rối trước sự đa dạng của loài sâu bướm Astraptes fulgerator cũng của các loài thực vật chúng ăn. Vì vậy, năm 2004, khi có cơ hội thử nghiệm một kỹ thuật mới còn đang gây tranh cãi là mã vạch ADN thì ông biết mình sẽ sử dụng mẫu côn trùng nào.
Kết quả thật ly kỳ. Chỉ riêng trong khu vực nghiên cứu của ông, phân tích mã vạch chỉ ra rằng loài bướm nâu đó trên thực tế là ít nhất 10 loài khác biệt về mặt di truyền. Kết quả này có nghĩa là trên khắp châu Mỹ Latinh có hàng nghìn loài côn trùng chưa xác định đang chờ được mô tả – cùng với nhiều loài chưa từng được thu thập và kiểm tra.
Các phát hiện gây tranh cãi và phản ứng dữ dội từ giới phân loại học và sinh vật học vốn luôn đặt câu hỏi liệu có nên đưa thông tin di truyền vào việc xác định một loài hay không. Những người khác không đồng ý rằng một ngưỡng di truyền nhị phân nên được áp đặt cho quá trình tiến hóa liên tục. Trong nhiều thế kỷ, hiểu biết của nhân loại về sự sống trên trái đất dựa trên dạng thức vật chất. Mọi sinh vật trong thư viện sự sống đều nằm trong một hệ thống phân loại dựa trên ngoại hình, theo hệ thống phân loại hiện đại do nhà thực vật học người Thụy Điển Carl Linnaeus phát triển đầu tiên.
Ngày nay, kỹ thuật này thường được sử dụng cùng với các phương pháp Linnaeus truyền thống, nhanh chóng phân tách các mẫu trước khi phân tích hình thái và gien. Trong số những người hoài nghi gần 20 năm trước có Brown – người hiện đang chịu trách nhiệm về một phát hiện lớn: các loài từng được gộp lại với nhau như ruồi Megaselia sulphurizona cũng được thu thập trong ACG.
Phân tích mã vạch ADN của các mẫu trên khắp châu Mỹ Latinh cho thấy 16 loài riêng biệt, theo nghiên cứu chưa được công bố do nhóm của Brown thực hiện.
“Tôi nghĩ mình biết rõ hoàn toàn loài của mình bằng cách nhìn vào cơ quan sinh dục”, Brown chia sẻ, dẫn chiếu đến cách phổ biến để xác định côn trùng là nghiên cứu các cơ quan sinh sản. “Tôi thực sự không quan tâm liệu mình có đi nhanh nhất hay không. Nhưng khi bắt đầu nghiên cứu về nhóm ruồi nhỏ này, tôi nhận ra cái mà mình đang gọi là một loài thực sự là 16 loài và tôi không thể xác định chúng về mặt hình thái như vẫn nghĩ”.
Nhà côn trùng học Michael Sharkey và là giáo sư danh dự thuộc Đại học Kentucky đã mã vạch ADN các loài côn trùng ông phân loại trong công trình nghiên cứu tiến sĩ chỉ để nhận ra rằng hầu hết các khái niệm về loài mà ông đề xuất sau 3 năm làm việc chăm chỉ là không chính xác.
“Sẽ tốt hơn nhiều nếu tôi chưa xuất bản nghiên cứu đó. Tôi rất vui vì thu được kinh nghiệm đó, nó dạy tôi rằng bất chấp những nỗ lực hết sức, bằng chứng hình thái học là chưa đủ. Mã vạch cũng sẽ có những mặt hạn chế nhưng chúng là một cải tiến lớn”.
Brown nói rằng nếu một số loài quý hiếm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, điều đó chỉ khiến các nỗ lực bảo tồn trở nên cấp thiết hơn.
“Qua kinh nghiệm về những con ruồi tôi nghiên cứu thì có thể có 100.000 hay thậm chí là một triệu loài ruồi trên thế giới chưa được mô tả. Chúng ta thực sự không biết. Nhưng nếu không sử dụng các phương pháp có tính đến sự khác biệt về gien, chúng ta sẽ không bao giờ đến gần được với sự thật”.
Thế Anh (Theo Guardian)