BVR&MT – Những năm qua, công tác giảm nghèo nói chung, vùng miền núi nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của cấp ủy, chính quyền ở tỉnh Quảng Bình. Trên cơ sở các mục tiêu đề ra sát thực tiễn, các địa phương đã lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân giảm nghèo hiệu quả. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đổi mới nếp nghĩ, cách làm
Cuối năm 2019, gia đình anh Cao Xuân Lực và chị Cao Thị Liên, người Rục ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Theo chia sẻ của anh Lực, do hai vợ chồng còn trẻ, có rừng trồng và nuôi được trâu bò, cuộc sống tạm đủ cho nên không muốn nhận hỗ trợ của Nhà nước nữa. Sau gia đình anh Lực, ba hộ nghèo khác ở Thượng Hóa cũng chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, từ chỗ trông chờ ỷ lại, đến tự lực vươn lên về kinh tế để thoát nghèo. Nhờ đó, từ tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% năm 2016, đến nay con số này ở vùng biên giới Thượng Hóa chỉ còn 20,08%.
Trước đây, gia đình chị Cao Thị Hà ở xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa là hộ nghèo của xã do còn thụ động trong suy nghĩ và thiếu vốn làm ăn. Sau hai lần được dự lớp tập huấn của Hội Phụ nữ xã về kế hoạch phát triển sản xuất để nâng cao đời sống gia đình, chị Hà vay vốn của chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo để cải tạo vườn trồng cây thanh long. Từ 50 trụ cây đầu tiên, chị tiếp tục nâng lên gần 250 trụ cây thanh long, trong đó 150 cây đã cho thu hoạch. Quả thanh long ngon ngọt của chị được người tiêu dùng ưu chuộng, nhiều người đến đặt mua tận vườn. Chị tiếp tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa làm chuồng trại nuôi lợn bản địa và đào ao nuôi cá. Trên vùng đất hoang hóa năm nào, nhờ cách nghĩ mới và biết mạnh dạn thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình chị Cao Thị Hà giờ có thu nhập mỗi năm hơn 150 triệu đồng.
Tại xã miền núi nghèo Hương Hóa của huyện Tuyên Hóa, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cấp ủy, chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn. Gia đình ông Đinh Hữu Thọ, ở thôn Tân Đức 1, có hơn ba sào đất vườn và dù làm thêm nhiều nghề phụ nhưng vẫn thuộc diện khó khăn. Qua tìm hiểu và biết được giá trị kinh tế của cây bưởi Phúc Trạch, ông Thọ mạnh dạn mua 80 gốc cây bưởi giống về trồng. Nhờ đầu tư chăm sóc, năm 2018, vườn bưởi cho thu hoạch vụ đầu tiên. Bây giờ, gia đình ông Thọ có gần 150 gốc bưởi, mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng. Nhận thấy tiềm năng của loại cây trồng mới này, xã Hương Hóa đã đưa cây bưởi thành cây trồng chủ lực trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của địa phương. Hiện có hơn 300 hộ cải tạo vườn tạp để trồng bưởi với diện tích gần 50 ha; nhiều hộ nhờ trồng bưởi mà đã xóa được đói nghèo. Huyện Tuyên Hóa đang hỗ trợ xã xây dựng thương hiệu bưởi Hương Hóa để nâng cao giá trị cho loại cây ăn quả có múi này.
Cũng để giảm nghèo, nhiều lao động trẻ ở huyện miền núi Tuyên Hóa chọn xuất khẩu lao động để lập nghiệp. Cùng với cán bộ xã Mai Hóa, chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Minh Phúc, ở thôn Tây Hóa. Nhìn ngôi nhà được xây dựng khang trang và kiểu cách, ít ai biết được gia đình chủ nhân từng là hộ nghèo. Nhờ được vay vốn ưu đãi, các con ông đi xuất khẩu lao động sang các nước trong khu vực. Cần cù lao động ở xứ người, họ gửi tiền cho bố mẹ trả nợ, làm lại nhà cửa đàng hoàng và tích lũy được ít vốn để lập nghiệp sau này. Ông Phúc chia sẻ: “Tôi nghĩ, xuất khẩu lao động là hướng thoát nghèo hiệu quả, con em cũng học hỏi được nhiều điều, nhất là tìm được cách thức làm ăn sau này”. Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hóa Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, hiện số lao động của xã đi xuất khẩu lao động hơn 200 người và nguồn thu từ hoạt động này giúp nâng cao thu nhập cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 8,54% năm 2016 xuống 3,5%, bộ mặt của xã cũng thay đổi rất nhiều.
Để giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân, mỗi địa phương ở Quảng Bình có những cách làm khác nhau song phù hợp thực tiễn của từng địa phương, qua đó đã phát huy hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Văn Lĩnh cho biết, bốn năm qua, Minh Hóa đã lồng ghép các nguồn vốn (Chương trình 30a, 135…) để hỗ trợ người dân mua các giống vật nuôi chất lượng như: bò lai sind, lợn ngoại và dành 5,5 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi; hỗ trợ cây giống để phát triển trồng rừng kinh tế; khuyến khích người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Với những bước đi và cách làm cụ thể, mỗi năm, Minh Hóa giảm được khoảng 4% hộ nghèo, sớm đưa địa phương thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Còn theo Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang, “bài toán” giúp người dân thoát nghèo được lãnh đạo địa phương hết sức trăn trở. Tuyên Hóa chọn hai giải pháp là xuất khẩu lao động và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Riêng trong sản xuất nông nghiệp, huyện ưu tiên phát triển đàn bò lai để nâng cao giá trị chăn nuôi và thu nhập cho nông dân. Với những bước đi phù hợp, đến nay, Tuyên Hóa là địa phương dẫn đầu tỉnh Quảng Bình về tỷ lệ bò lai sind với hơn 70% tổng đàn.
Để giảm nghèo bền vững
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình Trịnh Đình Dương, thành tích nổi bật nhất trong công tác giảm nghèo ở miền núi, vùng sâu Quảng Bình thời gian qua là, nhiều hộ nghèo đã thay đổi được nếp nghĩ để có cách làm mới vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2019 đến nay, tại huyện nghèo Minh Hóa đã có 59 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện làm đơn đăng ký xin thoát hộ nghèo. Tuy số hộ tự nguyện xin thoát nghèo còn ít so với hơn 10 nghìn hộ nghèo toàn tỉnh, nhưng có thể khẳng định, ý thức của đồng bào miền núi được nâng cao, góp phần khích lệ để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Trong bốn năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Bình giảm từ 14,42% (năm 2016) xuống còn 4,98% (năm 2020) và giảm 10 xã vùng sâu có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên.
“Tuy nhiên, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Bình hiện có ba khó khăn đặc thù, đó là: điều kiện địa lý khó khăn, ảnh hưởng đến bố trí đất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phong tục tập quán lạc hậu, mặt bằng dân trí thấp, ý thức tự vươn lên của người dân chưa cao; việc tiếp cận thông tin còn chậm, ứng dụng kỹ thuật mới vào công việc còn hạn chế. Mặt khác, thiên tai đã tác động và ảnh hưởng nặng nề đến kết quả phát triển kinh tế – xã hội và kết quả giảm nghèo của tỉnh. Đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại cho Quảng Bình hơn 3.500 tỷ đồng, trong đó hơn 80% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, đặc biệt là hộ nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Bước đầu rà soát cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Bình phát sinh thêm do thiệt hại bởi bão, lũ. Điều đó cho thấy, thiên tai và biến đổi khí hậu càng khắc nghiệt, thì sản xuất nông nghiệp càng gặp nhiều rủi ro, kéo theo đời sống nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn hơn. Thực tế cho thấy, nhiều hộ đã tái nghèo sau mỗi đợt thiên tai”- đồng chí Trịnh Đình Dương nhấn mạnh.
Để giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Quảng Bình đang tập trung thực hiện đồng bộ ba giải pháp chính. Thứ nhất, chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền để làm chuyển ý thức của người dân trong việc nâng cao dân trí để tự tổ chức và bảo đảm cuộc sống cho từng hộ, giảm đến mức thấp nhất sự phụ thuộc vào hỗ trợ của Nhà nước. Thứ hai, tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở thông tin và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin ở vùng miền núi và đồng bào dân tộc. Thứ ba, đầu tư hỗ trợ mô hình sinh kế cho người dân để tăng thu nhập và khuyến khích tổ chức theo hình thức tập trung để giảm rủi ro và nâng cao ý thức, đồng thời tạo điều kiện bao tiêu sản phẩm để tạo động lực cho người dân thực hiện mô hình. Đồng thời, Quảng Bình đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tranh thủ thêm nguồn vốn của Trung ương để hỗ trợ, giúp hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở, vốn sản xuất, kinh doanh, có thu nhập ổn định để thoát nghèo.
Với tinh thần “Không để Quảng Bình tụt lại phía sau”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo tiếp tục ưu tiên, tập trung lồng ghép các nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và từng địa phương. Đồng thời, tỉnh huy động và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể tham gia thực hiện công tác giảm nghèo, trong đó tập trung cao nhất cho việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia sản xuất, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.