BVR&MT – Mặc dù đã khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, bảo tồn những giá trị văn hóa, giá trị làng nghề… nhưng tới đây du lịch cộng đồng VN vẫn cần một hướng đi phù hợp hơn.
Du lịch cộng đồng đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng 3 thập kỷ nay với nhiều chương trình hỗ trợ từ trung ương đến địa phương, hay sự tiếp sức của các tổ chức phi chính phủ.
Trải qua chặng đường đó, mô hình du lịch này đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, giá trị làng nghề và tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, du lịch cộng đồng cũng cho thấy nhiều “mảng màu” đối lập khi phát triển ở các vùng, miền khác nhau như ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo ngành trong khuôn khổ hội thảo “Nghiên cứu xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam,” diễn ra sáng nay (ngày 18/12), tại Hà Nội.
Hướng đi bền vững
Du lịch cộng đồng tại Việt Nam xuất hiện từ những năm 1990 tại một số tỉnh, thành phố như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam, đến nay đã mở rộng trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Giai đoạn 2015-2020 là quãng thời gian hoạt động du lịch cộng đồng phát triển sôi động và thu hút sự quan tâm ở rất nhiều địa phương. Tính đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành đánh giá loại hình này đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cộng đồng, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và nhà nước, đặc biệt ở một số địa phương như Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu, Quảng Nam…
Bên cạnh lợi ích kinh tế xã hội, du lịch động đồng đã giúp khai thác, phát huy, giới thiệu và góp phần bảo tồn, lưu giữ các tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng thành công tiêu biểu nhất có thể kế đến ở Sin Suối Hồ (Lai Châu). Trong đó, các bên tham gia được chia sẻ lợi ích, tạo được sản phẩm hấp dẫn và sự gắn kết của các thành viên trong cộng đồng rất chặt chẽ để phục vụ khách.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, du lịch cộng đồng là du lịch về nhà và là xu hướng của thế giới. Đối với mỗi người, du lịch về nhà là tạo ra không khí thân thiện, ấm cúng, thoải mái và an tâm cho du khách. Khi tham gia du lịch cộng đồng, người dân địa phương bảo tồn văn hóa của họ, tăng niềm tự hào và gắn kết trong cộng đồng, giúp bình đẳng giới và giữ chân người trẻ ở lại phát triển địa phương.
Thế nhưng vẫn có một thực tế buồn ở một số địa phương như phó giáo sư Phạm Hồng Long chia sẻ: “Chúng tôi đã đến Vườn Quốc gia Cúc Phương khảo sát, chỉ có 2/13 hộ gia đình hưởng tất cả các lợi ích do du lịch cộng đồng mang lại. Các hộ dân tại đây phản đối do chỉ hai hộ này được hưởng lợi. Vì vậy, theo tôi cộng đồng nên cùng làm và chia sẻ lợi ích (%) cho những hộ không tham gia làm để cùng phát triển. Đó mới là mục tiêu cuối cùng của du lịch cộng đồng.”
Các chuyên gia cho rằng du lịch cộng đồng còn giúp bảo vệ môi trường và gìn giữ những bài học văn hóa. Do đó, khi hỗ trợ phát triển nên giúp cả “đầu vào và đầu ra.”
Bản chất của du lịch cộng đồng là mô hình du lịch tương đối bền vững nhờ lợi thế gần gũi, gắn bó thân thiện với môi trường sống của con người, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Vì thế, du lịch cộng đồng không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu chung của ngành mà còn đóng góp trực tiếp vào xu thế phát triển bền vững ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Quan trọng hơn, du lịch cộng đồng đã giúp người dân địa phương dần cải thiện mức sống, xóa đói giảm nghèo và chia sẻ nguồn lợi giữa các địa phương, khu vực với nhau nhờ chuyển đổi sinh kế từ hoạt động nông nghiệp sang dịch vụ du lịch và các hoạt động phi nông nghiệp khác.
Những điển hình trong cộng đồng
Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển du lịch cộng đồng nhanh của cả nước, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho rằng thời điểm này mới bàn việc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng là hơi muộn. Bởi lẽ ra chúng ta đã phải có chính sách phát triển hiệu quả cho loại hình này từ lâu.
“Hà Giang có hơn 30 mô hình cộng đồng, mỗi mô hình có 10 tiêu chí và hiện nay chúng tôi đang xây dựng thêm một tiêu chuẩn quốc tế. Một số hộ tại Hà Giang đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ASEAN. Việc quy hoạch 36 làng cộng đồng đang được ưu tiên, có điều kiện kết nối tour tuyến…,” ông Hoàng Hải cho biết.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho hay từ nay đến năm 2022, Quảng Ninh dự tính sẽ xây dựng 3 mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng bao gồm: Khu bảo tồn văn hóa người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ); làng văn hóa dân tộc Tày thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn (Bình Liêu) và điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp xã Tiền An (Quảng Yên).
Giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng khác có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững.
Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh sẽ tập trung vào việc đánh giá và rà soát kết quả thực hiện chính sách, điều chỉnh, cập nhật số lượng các điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.
Các địa phương miền Đông như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái sẽ phát triển mạnh về du lịch cộng đồng dựa trên giá trị văn hóa bản địa vùng miền núi, sinh thái khu vực ven biển.
Miền Tây của tỉnh gồm các địa phương Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên và khu vực Hoành Bồ cũ sẽ phát triển du lịch cộng đồng kết hợp du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Khu vực trung tâm gồm thành phố Hạ Long và huyện Vân Đồn thực hiện mục tiêu là trung tâm đón khách, kết nối với các địa phương.
Phát triển hướng nào trong bối cảnh mới?
Để phát triển được du lịch cộng đồng trong bối cảnh hiện nay, ngoài tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa bản địa, theo ông Phạm Ngọc Thủy cần phải có các yếu tố thiết yếu về hạ tầng như giao thông đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, thông tin, dịch vụ cho khách, an toàn sức khỏe trong khu vực du lịch cộng đồng, nguồn nhân lực…
“Mặt khác, cần hoạch định, xác định các khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để đảm bảo việc xây dựng các mô hình cộng đồng có tính bản sắc, hiệu quả và khả thi,” ông Thủy nói.
Với xu hướng phát triển du lịch cộng đồng trên thế giới như hiện nay, có một số bài học về chính sách và phát triển thị trường cần được xem xét cho việc phát triển mô hình này tại Việt Nam trong thời gian tới.
Về vấn đề này, tiến sỹ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch nêu một số bài học quốc tế. Thứ nhất, du lịch cộng đồng cần được coi trọng và là một trong những nội dung không thể thiếu trong các chính sách, chiến lược và đề án phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và các địa phương trong thời gian tới.
Thứ hai, chính sách phát triển du lịch cộng đồng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ thích đáng, khuyến khích sự phát triển của du lịch cộng đồng.
“Cần đẩy mạnh khai thác tốt thị trường khách du lịch nội địa, lồng ghép việc quảng bá các sản phẩm, điểm đến, đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch giáo dục, du lịch học đường đến các điểm đến du lịch cộng đồng; nghiên cứu tạo ra một phong trào ‘staycation’ trong nước, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, về địa phương mình đang sống nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch tại điểm đến bằng chính những du khách tại địa phương hoặc các khu vực lân cận…,” ông Vũ Nam nhấn mạnh./.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng tuy du lịch cộng đồng góp phần phát triển du lịch bền vững cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, giá trị làng nghề và tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương nhưng thực tế vẫn còn nhiều tồn tại. Theo ông Quỳnh, những khó khăn chưa thể giải quyết của du lịch cộng đồng ở Việt Nam có thể kể đến như: Chưa có quy chuẩn, quy định cụ thể cho việc phát triển du lịch cộng đồng; phát triển du lịch cộng đồng rập khuôn, không có sự phân tích và lựa chọn. Ngoài ra, phát triển du lịch cộng đồng nhưng chỉ tập trung phát triển homestay (đây chỉ là một “cần câu” để liên kết bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống của đồng bào… cho du lịch cộng đồng phát triển); đầu tư theo phong trào, chưa có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia; chưa được cộng đồng chính thức tham gia vào các hoạt động; các sản phẩm du lịch làm ra chưa đảm bảo tiêu chuẩn để phục vụ khách… |